Trường mầm non chọn bốc thăm để xét tuyển năm 2013

TT – Năm học 2013-1014, Hà Nội sẽ tăng thêm 25 trường, riêng mầm non sẽ có thêm 18 trường đáp ứng nhu cầu học của trên 1,5 triệu học sinh các cấp, trong đó có gần 430.000 trẻ mầm non.

Tuy nhiên, trao đổi tại cuộc giao ban giữa Thành ủy Hà Nội với báo chí chiều 2-7, lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội thừa nhận Hà Nội vẫn còn nhiều “điểm nóng” quá tải chỗ học mầm non khi chỉ có thể đáp ứng 40-50% nhu cầu học của trẻ 3-4 tuổi.

Trường mầm non chọn bốc thăm để xét tuyển năm 2013
Phụ huynh xếp hàng chờ lấy đơn xin học cho con mùa tuyển sinh năm học 2012-2013 ở Trường mầm non Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội – Ảnh: Nguyễn Thanh

Mục lục

Mầm non: bốc thăm để xóa việc xếp hàng

Chia sẻ với Tuổi Trẻ tại cuộc giao ban báo chí với Thành ủy Hà Nội, ông Nguyễn Hiệp Thống – phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội – khẳng định: Năm học tới 100% trẻ 5 tuổi sẽ được tiếp nhận vào các trường mầm non công lập trên địa bàn, còn trẻ 3-4 tuổi, do điều kiện trường lớp chưa đủ nên Sở GD-ĐT Hà Nội thống nhất với các quận huyện áp dụng triệt để phương thức bốc thăm.

Những điểm nóng này tập trung nhiều ở các quận Đống Đa, Thanh Xuân, Ba Đình, Cầu Giấy. “Sở GD-ĐT sẽ kiểm tra sau thời hạn 17-5. Nếu các trường không tuân thủ quy định về sĩ số trẻ/lớp và các quy định khác liên quan tới an toàn, chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ thì sẽ bị xử lý nghiêm khắc” – ông Thống khẳng định.

Theo đại diện phòng GD-ĐT các quận huyện thì trước thời hạn tuyển sinh (1-7) khoảng một tuần, tất cả trường mầm non đều phải công khai rõ chỉ tiêu, tuyến tuyển sinh, thời gian tuyển sinh, phương thức tuyển sinh (bốn rõ) để phụ huynh được biết. Một số trường đã áp dụng lịch tuyển sinh riêng đối với từng độ tuổi để tránh quá tải. “Sẽ không có tình trạng xếp hàng trắng đêm mua đơn xin học” – lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội khẳng định.

Không thể chấm dứt trái tuyến

Ông Nguyễn Hiệp Thống thừa nhận thực tế trái tuyến đang tồn tại do nhiều nguyên nhân: học sinh phải học ở khu vực tiện bố mẹ đưa đón, học sinh chuyển nhà nhưng chưa chuyển hộ khẩu, trong đó có việc phụ huynh xin học trái tuyến vì muốn con vào “trường điểm”.

Lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết đã áp dụng phương thức luân chuyển giáo viên để giảm bớt độ chênh lệch về chất lượng giáo viên giữa các trường. Đây được coi là giải pháp quan trọng nhằm ngăn làn sóng “chạy vào trường điểm” tại Hà Nội. Bên cạnh đó, năm nay là năm đầu tiên Hà Nội công bố công khai phương án phân tuyến tuyển sinh.

Những “điểm nóng” tuyển sinh lớp 1, lớp 6, những phường có quá đông dân (quận Cầu Giấy) hoặc những phường chưa có trường tiểu học đã được điều chỉnh tuyến tuyển sinh để đảm bảo 100% trẻ 6 tuổi vào lớp 1 và học sinh học hết cấp 1 được vào học lớp 6.

Trao đổi thêm về tuyển sinh lớp 1, lớp 6, ông Ngô Văn Chất, trưởng phòng quản lý thi và kiểm định chất lượng giáo dục Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết: Do mỗi quận huyện lấy số liệu khảo sát học sinh trong độ tuổi từ một nguồn khác nhau nên có sự không chính xác.

Vì vậy, Sở GD-ĐT Hà Nội phải kết hợp với các quận huyện để xác định chỉ tiêu cho các trường, nhất là các trường có sức hút những năm qua. Tuy nhiên theo phương án đã công bố, vẫn còn những bất hợp lý khó hiểu.

Đơn cử như số liệu khảo sát khu vực tuyển sinh vào Trường THCS Giảng Võ (quận Ba Đình) cho thấy số học sinh trong độ tuổi thấp hơn mức chỉ tiêu được xác định vào trường này. Ngược lại, một số trường thuộc quận Hai Bà Trưng lại có chỉ tiêu thấp hơn số học sinh trong độ tuổi được khảo sát. Một số trường ở các phường đông dân cư vẫn thể hiện sự lúng túng trong việc phân tuyến với thực trạng “siêu phường” (dân cư/phường đông gấp 3 lần mức thông thường) dẫn đến tình trạng phổ biến 55-60 học sinh/lớp.

VĨNH HÀ – TuoiTre.vn

Đánh giá