Biết phụ huynh lo lắng về tình trạng bạo hành ở nhà trẻ, nhiều trường mầm non lắp camera online giúp họ dễ dàng nắm bắt thông tin con mình từ xa.
“Các phụ huynh hoàn toàn có thể yên tâm khi gửi con vào trường chúng tôi, bởi chúng tôi trang bị ngay từ đầu hệ thống camera cao cấp phục vụ quý vị trong việc quan sát các bé học tập, vui chơi, sinh hoạt và ngủ trưa. Quý vị sẽ không phải lo lắng khi không ở bên bé suốt 10 giờ trong ngày…”. Đó là những dòng quảng cáo của trường mầm non chất lượng cao Funny Children (Trần Hưng Đạo, quận 5, TP HCM) ngay đầu trang web của trường. Đi kèm với những thông tin này là phần hướng dẫn phụ huynh tự cài đặt phần mềm webcam tại nhà để có thể xem được những hình ảnh của con qua máy tính.
Trường mầm non Chim Vành Khuyên (Hồng Bàng, quận 11) tối tân hơn khi trang bị hệ thống IP camera (gồm những camera con, đưa thẳng hình ảnh lên internet để người dùng truy nhập dễ dàng, giám sát căn phòng từ xa. Trường còn cho nhân viên kỹ thuật xuống tận nhà giúp cài đặt.
Bà Lương Thị Mỹ Linh, Hiệu phó trường Chim Vành Khuyên, cho biết ý định lắp đặt camera online một phần xuất phát từ chính nhu cầu của phụ huynh nhưng cũng một phần là để công khai hoá mọi hoạt động của nhà trường. Đó là cách tốt nhất để trường chứng minh đang làm đúng như những gì đã giao kết với phụ huynh như con ăn mấy lần, mỗi lần mấy bát, con ngủ đủ giờ không, có học theo đúng kế hoạch ghi trong nhật ký hằng ngày không.
“Đó cũng là kênh thông tin khách quan nhất để phụ huynh nhìn chứ không phải chỉ nghe”, bà Linh nói. So với các trường mầm non không có camera, học phí ở những trường này thường cao hơn 30% – đến 50% (khoảng 2 – 4 triệu đồng mỗi tháng).
Chị Nguyễn Thị Huyền, nhân viên công ty bảo hiểm Bảo Minh, đang có con gửi tại trường Funny Children, cho biết: “Bỏ ra 2,5 triệu đồng mỗi tháng đóng học phí thì có vẻ hơi cao so với chi phí ở trường bình thường, nhưng đổi lại, thấy con mình ăn ngủ như thế nào ở trường, kể ra cũng xứng đáng”.
Đây cũng là tâm lý chung của các phụ huynh khi gửi con vào những điểm giữ trẻ có camera online: “Tốn kém một chút mà yên tâm hơn. Như tôi ngày nào vô công ty cũng phải mở mạng để theo dõi con mình ở trường thế nào. Cũng nhờ thấy mẹ qua màn hình mà thằng cu nhà tôi không khóc quấy nhiều, giờ đi học về còn biết ọ ẹ rằng mẹ bị… nhốt ở trong máy tính. Nghe mắc cười chết đi được”, bà Lê Thị Khánh Lan, giám đốc truyền thông công ty tổ chức sự kiện M&N, kể.
Còn một phụ huynh khác là nhà báo Phương Thư, báo Giáo Dục TP HCM, cho rằng gửi con ở trường lắp camera có lợi mà cũng có cái bất tiện: “Có hôm nhìn qua webcam thấy con mình đứng khóc mãi mà không thấy ai dỗ. Xót xa quá nên bỏ cả việc làm ở nhà chạy tới trường. Đến nơi thì té ra hôm đó hệ thống máy chủ lỗi, hình bị lưu lại trên màn hình và không được refresh khiến mình tưởng nhầm, suýt nữa trách oan nhà trường”.
Luật sư Nguyễn Tiến Trực, đoàn luật sư TP HCM, cũng có một “kỷ niệm” nhớ đời khi trông con từ xa qua webcam thay cho vợ đi công tác. Qua màn hình, thấy con mình bị một bóng đen to lớn lao vào đánh xối xả, còn xung quanh là bạn bè đang ngồi xem hớn hở, anh tưởng con bị đánh hội đồng nên vội vàng chạy đến trường. Tới nơi, anh mới hay bọn trẻ đang chơi đánh trận giả, do hình ảnh truyền qua webcam không tốt nên nhìn cứ như đánh nhau thật.
Thạc sĩ Phạm Thành Nhân, giảng viên khoa giáo dục mầm non, Đại học Sư phạm TP HCM, cho rằng, việc hiện đại hoá của nhà trường bằng cách lắp camera là tốt. Tuy nhiên, một thực tế không thể phủ nhận rằng, không hẳn cứ chọn trường xịn, giám sát chặt thì sẽ tốt. “Máy móc dù hiện đại tới đâu cũng vẫn chỉ là công cụ phụ trợ chứ không hoàn toàn quyết định chất lượng chăm sóc nuôi dạy các bé tại nhà trẻ. Vì vậy các bậc phụ huynh không nên ngộ nhận cứ trường nào có camera thì nơi đó có chất lượng dạy học tốt”, ông Nhân nói.
Còn tiến sĩ Nguyễn Thị Lành, Viện Nghiên cứu tâm lý giáo dục TP HCM, khuyên phụ huynh không nên quá dựa dẫm vào camera khi chọn trường gửi con vào học. Camera chỉ là phương tiện hỗ trợ quản lý trẻ chứ không phải là yếu tố quyết định chất lượng dạy trẻ. “Nếu cứ quan sát con một thời gian, thấy cô thầy không tốt, chuyển con sang trường khác; qua trường mới lại quan sát, lại thấy không tốt, lại chuyển thì người bị ảnh hưởng nhiều nhất chính là trẻ. Các em sẽ bị khủng hoảng tâm lý bởi việc chuyển trường và cũng sẽ mất niềm tin nơi các cô thầy. Trẻ sẽ không cố ngoan hơn mà cứ bị uốn nắn là phản ứng, vì biết mẹ sẵn sàng cho đi học trường khác”, bà Lành nói.
Camera theo dõi lớp học không phải là một tiêu chuẩn để kết luận trường tốt. Cha mẹ chọn trường cho con nên dựa vào các tiêu chí như cơ sở vật chất tốt, giáo viên có trình độ sư phạm tốt, yêu trẻ, ban giám hiệu luôn có thái độ lắng nghe, tiếp thu và khắc phục… hơn là vì có camera tối tân.
Theo Sài Gòn Tiếp Thị