“Vì sao con lại không được học sinh giỏi, có nhiều bạn học kém hơn con, toàn hỏi bài con vẫn được học sinh giỏi. Hay tại vì con không đi học thêm cô chủ nhiệm?”.
Tôi đã phải nghẹn ngào và lúng túng trước những câu hỏi ngây thơ của con trẻ khi con buồn bã trở về nhà từ buổi tổng kết cuối năm học.
“Mẹ ạ, con chỉ được học sinh tiên tiến. Nhưng hôm nay các bạn đều ngạc nhiên hỏi nhau vì sao con lại không được học sinh giỏi. Có nhiều bạn học kém hơn con, toàn hỏi bài con vẫn được học sinh giỏi. Hay tại vì con không đi học thêm của cô chủ nhiệm nên thế hả mẹ?
Các bạn đi học thêm toàn được làm và chữa bài kiểm tra trước, hôm sau chỉ cần chép lại và toàn được điểm cao. Con thấy nhiều bạn không xứng đáng”.
Nhìn bảng điểm của con điều kiện 2 môn chính là văn và toán, một môn từ 6,5 trở lên và một môn từ 8,0 trở lên, đều đạt. Tất cả các môn học đều trên 6,5, nhưng vì trung bình tất cả các môn lại chỉ được 7,9 cả năm nên không đạt học sinh giỏi.
Tôi vẫn luôn dạy con hãy đi bằng chính đôi chân của mình, đừng bao giờ mong chờ sự giúp đỡ và dựa dẫm vào người khác.
Từ lớp 1 tới bây giờ, tôi chưa bao giờ cho con học thêm, yêu cầu cháu luôn phải tập trung nghe giảng, học bài trên lớp và về nhà tự luyện tập.
Tôi thường nói với con kết quả học tập của con phản ánh đúng, chính xác và chân thực trình độ và kiến thức mà con tiếp thu được chứ không phải là ảo. Mẹ không yêu cầu con phải đạt thành tích này nọ, mà chỉ yêu cầu con phải cố gắng hết sức mình, chăm chỉ học tập.
Biết rằng kết quả học tập của con là đúng, là chính xác nhưng vẫn thoáng chút buồn với những câu hỏi con đặt ra.
Trộm nghĩ đến bao giờ thực trạng kết quả học tập ảo, giỏi mà không thực giỏi mới chấm dứt? Đến bao giờ trong môi trường giáo dục mới có sự công bằng? Đến bao giờ mới loại bỏ được những giáo viên ko tâm huyết, trên lớp không dạy hết kiến thức để dành dạy ở lớp học thêm?
Lan Hương