Trường mầm non Họa Mi – “Tỷ lệ ngân sách dành cho giáo dục không đổi là 20%, nhưng giá trị tuyệt đối thì có tăng thêm vì kinh tế phát triển”.
Nhằm chuẩn bị cho Hội nghị sơ kết 2 năm thực thực hiện Quyết định 239/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, chiều qua, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ:
“Năm 2010, ngành giáo dục đã đề xuất và trình Thủ tướng Chính phủ chủ trương phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Việc này là rất cần thiết vì chúng ta đã chứng kiến nhiều trẻ em sau 10 năm học trường phổ thông dân tộc nội trú vẫn chưa quen tiếng Kinh, bởi ngay từ đầu các em chưa được chuẩn bị một vốn ngôn ngữ tốt.
Phổ cập giáo dục mầm non góp phần rất lớn giúp trẻ 5 tuổi được chuẩn bị mọi phương diện, nhất là ngôn ngữ trước khi vào lớp 1. Các nhà khoa học đã nói đến năm 6 tuổi, 50% trí tuệ của con người đã được hình thành. Chăm lo cho các em 5 tuổi bây giờ chính là chăm lo cho tương lai đất nước sau 15 – 20 năm nữa. Nếu chúng ta làm chậm hoặc không làm tốt là có lỗi với thế hệ tương lai của đất nước.
Tuy nhiên, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi là nhiệm vụ rất khó khăn vì sau 35 năm chiến tranh, đến trước năm 2010, hệ thống trường lớp còn rất hạn chế. Chúng ta rất thiếu trường lớp, thiếu giáo viên và thiếu kinh phí. Một khó khăn lớn nữa là sự quan tâm đến bậc học mầm non trong nhận thức của lãnh đạo các địa phương nói chung và ngay cả trong cộng đồng dân cư còn thấp”.
Theo chương trình mục tiêu mà Quốc hội đã đề ra là sau 5 năm phải hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi và tính đến thời điểm này đã có 62/64 tỉnh, thành phố thông qua kế hoạch trên. Các số liệu thống kê cho thấy, sau 2 năm đầu tiên thực hiện chủ trương này, đã có 3.500 trường bán công chuyển sang công lập.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho hay: “Chưa bao giờ chỉ trong một quãng thời gian ngắn, số trường mầm non công lập tăng nhiều như thế. Đó là quyết tâm chính trị của các địa phương . Qua 2 năm, số trường mầm non tăng 610 trường. Qua đó, có thêm 160 nghìn trẻ được đi học, trong đó riêng trẻ 5 tuổi là 112 nghìn em. Điều đó nói lên rằng nhiệm vụ phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi là rất khó khăn nhưng nếu cấp uỷ các địa phương vào cuộc thì kết quả sẽ tốt hơn”.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là để chăm lo cho học sinh mầm non tốt thì cần có số lượng giao viên rất lớn, và tình hình hiện tại lại rất khó thực hiện được điều này khi mà chế độ của giáo viên hệ mầm non còn quá thấp. Về vấn đề này, Phó Thủ tướng nhận định:
“Đúng là bên cạnh bổ sung trường lớp, chúng ta phải tháo gỡ giải quyết chế độ chính sách cho giáo viên mầm non. Vừa qua, Chính phủ có chính sách đối với giáo viên ở bậc mầm non nếu đạt chuẩn sư phạm thì được hưởng lương theo ngạch bậc như các bậc học khác.
Trong 2 năm qua cả nước đã tuyển dụng thêm được 24 nghìn giáo viên mầm non vào biên chế. Chưa bao giờ trong một thời gian ngắn, số giáo viên mầm non lại tăng nhanh và nhiều như vậy. Nhà nước có thay đổi cơ bản về mở rộng tuyển dụng giáo viên mầm non, giáo viên được ký hợp đồng và hưởng mọi chế độ như giáo viên biên chế trước kia.
Chính sách dành cho giáo viên mầm non những năm qua có cải thiện từng bước thông qua chế độ chung về lương của cán bộ công chức và chế độ phụ cấp thâm niên cho giáo viên. Sắp tới, Chính phủ có đề án cải cách tiền lương, trong đó chắc chắn sẽ xem xét cải thiện lương cho giáo viên mầm non”.
Ngoài ra, khi đề cập tới vấn đề cả nước cùng thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ là phải tiết kiệm chi tiêu nhưng vẫn phải đảm bảo các mục tiêu an sinh xã hội, và như vậy vấn đề đầu tư cho giáo dục mầm non có thể gặp nhiều khó khăn…
Phó Thủ tướng khẳng định: “Tỷ lệ ngân sách dành cho giáo dục không đổi là 20%, nhưng giá trị tuyệt đối thì có tăng thêm vì kinh tế phát triển. Bên cạnh đó, 3 năm gần đây, chúng ta đã đẩy mạnh hơn mức đóng góp của xã hội cho giáo dục nghề nghiệp, học nghề, đại học, cao đẳng, mức học phí tăng lên, nghĩa là xã hội hóa cao hơn. Phần kinh phí từ ngân sách công lập cần tăng lên cho giáo dục cơ bản, trong đó có giáo dục mầm non. Vì vậy, tổng chi cho giáo dục mầm non sẽ tăng trong những năm tới”.
Ngọc Quang