Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ dưới 5 tuổi: Bài toán khó giải

Trường mầm non Họa Mi – Để hoàn thành việc phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi trong điều kiện các trường đều quá tải và thiếu giáo viên trầm trọng, nhiều nơi đã từ chối nhận trẻ dưới 5 tuổi để ưu tiên trường lớp cho đối tượng cần phổ cập.

Mục lục

Bỏ gốc, nuôi ngọn

Trường mầm non Họa Mi - Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ dưới 5 tuổi: Bài toán khó giải
Trường mầm non Họa Mi - Trẻ em dưới 5 tuổi không đến trường là thiệt thòi lớn cho thế hệ tương lai của đất nước

Không thể xin cho con vào học tại các trường mầm non trong khu vực, hàng ngày chị Nguyễn Thị Hòa (quận Tây Hồ) phải đưa con 3 tuổi xuống gửi nhà ngoại cách nhà gần 5km. Chị Hòa cho biết: “Dù đã phải chầu trực thâu đêm xin cho con vào trường công cũng không được, vì số lượng trẻ nhận có hạn mà mình thì chả có “mối” nào. Học phí trường tư lại quá đắt, lương 2 vợ chồng không đủ nên đành phải nhờ bà ngoại chờ khi bé 5 tuổi xin đi học một thể”. Rất nhiều trường mầm non tại Hà Nội trước đây nhận trẻ từ 24 – 36 tháng tuổi, nay cũng phải bỏ vì thiếu trường lớp. Cụ thể như trường Mầm non Việt – Bun, số lớp nhà trẻ đã giảm chỉ còn 2 trên tổng 18 lớp và không còn lớp dưới 12 tháng tuổi. Trong khi đó, việc phổ cập cho trẻ 5 tuổi đang khiến các trường phải gồng mình với số học sinh/lớp lên tới 60 – 70 trẻ, đặc biệt là các trường chuẩn quốc gia lại càng đau đầu với bài toán giữ “chuẩn” và quá tải.

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa, hiện số trẻ mẫu giáo 5 tuổi đến trường của cả nước khoảng hơn 1,3 triệu, chiếm 98,6% tổng số trẻ trong độ tuổi mầm non. Như vậy, số trẻ dưới 5 tuổi được đến trường mới chỉ có 1,4%. Đây không phải là tổng số trẻ mầm non trong độ tuổi đến lớp, mà còn một con số “khổng lồ” trẻ ở lứa tuổi các lớp bé, nhỡ hiện phải ở nhà với ông bà, người giúp… Đó là một thiệt thòi cho sự phát triển trí tuệ, thể lực của thế hệ đang ở trong độ tuổi vàng. Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, việc “bỏ gốc để nuôi ngọn” như thế này là điều hoàn toàn không nên, nếu không muốn nói là sẽ làm hạn chế quá trình phát triển của trẻ.

Lực bất tòng tâm

Nhận thức được khó khăn và tầm quan trọng của việc đưa trẻ dưới 5 tuổi đến trường nhưng rất nhiều nơi trong tình trạng “lực bất tòng tâm”. Câu hỏi thường trực là: thiếu trường lớp như hiện nay, phổ cập cho trẻ mầm non 5 tuổi theo đúng chủ trương thì trẻ 3, 4 tuổi sẽ đi đâu? Tỉnh Bình Dương, Nghệ An là hai địa phương gặp nhiều trở ngại nhất trong việc duy trì lớp cho trẻ dưới 5 tuổi. Chỉ riêng TP Vinh (Nghệ An), năm 2012 có 4.102 cháu 2 tuổi nhưng kế hoạch của 42 trường mầm non mới chỉ nhận được 1.772 trẻ như vậy còn 2.300 trẻ 2 tuổi không được đi học. Ở trẻ 3 và 4 tuổi trong tổng số 9.000 trẻ mới chỉ có trên 6.200 chỗ, còn 2.600 trẻ. Như vậy tổng số trẻ dưới 5 tuổi phải… ở nhà đã là 4.900 trẻ. Mặc dù rất muốn mở rộng thêm trường lớp để nhận thêm trẻ nhưng đó không phải là việc có thể làm ngay tức khắc vì còn phụ thuộc vào nguồn vốn và đất xây trường. Kể cả việc nhận thêm trẻ vào các lớp hiện tại cũng là điều không thể vì lớp đã quá đông.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, Chủ tịch liên minh giáo dục cho mọi người cho rằng: “Nhà nước cần có quy định kiên quyết hơn trong việc yêu cầu các dự án xây dựng nhà ở, khu chung cư, KCN bắt buộc phải có nhà trẻ. Ngoài ra, việc xây dựng trường mầm non cần phải xã hội hóa không thể chỉ trông chờ vào Nhà nước”. Ông Nhĩ cũng thông tin, TP. HCM còn 12 phường, xã chưa có trường công lập trong tổng số 318 xã, phường. Tại Hà Nội, trong số 25 khu đô thị mới xây dựng mới chỉ có 4 khu có trường mầm non công lập. Trường lớp chính là điều đầu tiên cần thiết để có thể khắc phục tình trạng “lực bất tòng tâm” của giáo dục mầm non hiện nay.

Theo KTĐT

5/5 (2 bình chọn)