Chạy trường gửi trẻ mầm non

Trường mầm non họa Mi – Chất lượng giáo dục giữa các trường, các quận không đồng đều nên khó tránh khỏi nạn “chạy trường”. Mặc dù năm học 2011-2012 chưa kết thúc nhưng nhiều phụ huynh đang bắt đầu lo lắng tìm trường học cho trẻ mầm non.

Nỗi lo thiếu tháng
Hầu hết các trường công lập trên địa bàn quận Gò Vấp chỉ nhận trẻ từ 18 tháng tuổi trở lên khiến nhiều phụ huynh có con trong độ tuổi nhà trẻ phải lo lắng, thậm chí tìm cách khai khống tuổi của trẻ. Chị Võ Thị Bé (quận Gò Vấp) có con gần 13 tháng tuổi đang gửi tại một nhà trẻ gần cơ quan để tiện đi làm. Chị tính hết tháng 4 sẽ xin cho bé vào trường công gửi dịp hè cho an tâm. Vì phường chị ở chưa có trường mầm non công lập nên chị qua các phường khác để dò hỏi. Tuy nhiên, hầu hết các trường đến khoảng tháng 7 mới tuyển sinh và không nhận trẻ dưới 18 tháng tuổi nên chị đang lo lắng không biết làm thế nào. “KT3 mình đã có rồi nhưng chắc phải bỏ vài ba triệu đồng nhờ người quen xin vào trường công lập hoặc khai thêm tháng sinh của bé cho đủ điều kiện” – chị Bé nói.

Và… thiếu hộ khẩu

Trường mầm non Họa Mi - Chạy trường gửi trẻ mầm non
Trường mầm non Họa Mi - Các bé đang vui chơi

Chị Thu Biên (quê Đồng Tháp, ngụ quận 8) cũng lo lắng vì mới đón con gái gần bốn tuổi dưới quê lên. Trước giờ, hai anh chị làm thuê nay đây mai đó theo công trình nên không đăng ký tạm trú cố định. Giờ muốn xin cho con vào trường công lập sẽ rất khó, còn để con vào tư thục thì anh chị không đủ điều kiện tài chính. Chị tính sẽ xin nhập KT3 cho con vào gia đình người bạn làm cùng hoặc xin bà chủ nhà trọ cho nhập khẩu ké để con được học đúng tuyến.

Đến… thiếu chỗ
Nhiều phụ huynh có con trong độ tuổi nhà trẻ cũng vất vả “lang thang” các quận tìm trường như ý muốn để gửi con. Chị Lê Châm (quận Tân Bình) cho biết con thứ hai của chị được gần ba tuổi, trước chị có gửi con tại một nhà trẻ tư trong quận nhưng ba tháng gần đây chị để bé ở nhà cho bà ngoại trông. “Khoảng cuối tháng 4 mình mới cho con đi học lại vì lúc đó cận hè, may ra dễ xin hơn nhưng giờ phải tìm trường trước. Mình tính sẽ xin cho bé vào Trường Mầm non 2 của quận vì trường có nhận giữ trẻ đến hơn 7 giờ tối. Nhưng trường này thu hút rất nhiều phụ huynh gửi trẻ nên sĩ số trẻ đông khiến mình hơi lo. Nếu không xin được, mình phải cho bé đi xa hơn, qua quận 10 hoặc quận 3 cho yên tâm đưa đón” – chị Châm lo tính.

Hiệu trưởng tối mặt vì hồ sơ “chạy”
Bà Lê Thị Lệ Vân, Hiệu trưởng Trường Mầm non Họa Mi 3 (quận 5), cho hay vừa rồi quận phải giải quyết cho nhiều trường hợp các bé chuyển trường từ quận khác đến. Cuối tháng 5, trường sẽ có thông báo về việc tuyển sinh mới để giữa tháng 6 tuyển và đầu tháng 7 bắt đầu học chính thức.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Mai Hương, Phó Phòng phụ trách mầm non thuộc Phòng Giáo dục quận 5, cho biết những phụ huynh chuyển con vào học ở quận 5 chủ yếu đến từ quận 8, quận 6 và quận 11, chủ yếu là con của những người dân mua bán làm ăn. Do nhu cầu thiết yếu của phụ huynh và quận vẫn còn khả năng nên các trường vẫn nhận để đảm bảo việc học của trẻ. Hiện tại quận đã lên kế hoạch cho công tác tuyển sinh vào tháng 6 tới, ưu tiên con em của cán bộ, công nhân, viên chức trên địa bàn quận. Sau đó mới xét đến các trường hợp khác trong và ngoài quận.
Một hiệu trưởng tại quận 3 cho rằng giờ là mùa phụ huynh đi “thăm dò” các trường, chủ yếu để chọn được trường như ý hoặc xin cho con vào học để “giữ chỗ” cho đợt tuyển sinh năm học tới. Phần lớn họ đều ở quận khác nhưng công tác tại quận 3 nên các trường vẫn phải nhận. “Nhiều phụ huynh còn “chạy hộ khẩu” cho con. Khi tôi nhìn vào hồ sơ là biết liền vì thời gian ghi trong hộ khẩu rất mới. Năm rồi có nhiều hồ sơ “chạy” kiểu vậy nhưng trường vẫn nhận vì không có quy định nào về vấn đề này” – vị hiệu trưởng phân trần.
Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Phó Phòng Giáo dục phụ trách mầm non quận 3, cho biết quận có 22 trường mầm non công lập và nhiều trường ngoài công lập nên không gây khó khăn cho quận về việc tiếp nhận trẻ. Tuy nhiên, vào mùa tuyển sinh, một số trường như Tuổi Thơ 7, Mầm non 2, Mầm non 4… quá tải vì lượng trẻ dồn về nhiều gây khó khăn cho các trường. Quận phải yêu cầu các trường niêm yết danh sách trẻ, thời gian, đối tượng để ưu tiên hợp lý và dàn trải đều các trường.
Ưu tiên hàng đầu cho trẻ năm tuổi
Đối với cấp mầm non, nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh nhiều nhất là vào mùa tuyển sinh. Sở sẽ có kế hoạch rõ ràng gửi đến từng quận, huyện, yêu cầu các quận, huyện tạo điều kiện tối đa để đảm bảo các trẻ đều được học trong môi trường tốt nhất. Tuy nhiên, tùy tình hình mỗi quận sẽ có nhu cầu tuyển sinh trẻ khác nhau nhưng phải ưu tiên hàng đầu cho trẻ năm tuổi, con em có hộ khẩu trên địa bàn quận, rồi mới tính đến các tiêu chí khác nếu còn chỗ. Việc phụ huynh tìm trường chỗ này chỗ kia, chạy hộ khẩu… là do tâm lý chung vì lo lắng chỗ học cho con. Vì vậy, các phòng Giáo dục phải theo dõi sát sao quá trình tuyển sinh của các trường, phải nắm thông tin rõ ràng để có phương án giải quyết kịp thời, hạn chế tối đa tiêu cực trong tuyển sinh.
Bà TRẦN THỊ KIM THANH, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM
Tâm lý của phụ huynh cộng với chất lượng giáo dục không đồng đều giữa các trường dẫn đến nạn “chạy trường” là không tránh khỏi. Đối với Tân Phú, số trường ít nhưng được đầu tư như nhau. Hơn nữa, người dân trong quận chủ yếu là lao động nhập cư, rất chuộng trường ngoài công lập vì thời gian giữ trẻ linh hoạt nên không lo vấn đề phụ huynh chen giữa công và tư. Năm nay, do thực hiện phổ cập giáo dục trẻ năm tuổi nên đợt tuyển sinh tới sẽ ưu tiên cho khối lớp lá, hạn chế tối đa khối mầm và nhà trẻ. Bắt đầu từ tháng 6, quận sẽ phát phiếu huy động trẻ năm tuổi ra lớp.
Bà CHUNG BÍCH PHƯỢNG, Phó Trưởng phòng Giáo dục quận Tân Phú
Năm nay quận có đến 21 trường công lập và nhiều trường ngoài công lập được đầu tư mạnh nên sức chứa trẻ sẽ lớn để đảm bảo tuyển sinh trong quận ổn định, phụ huynh không phải lo chạy trường. Khi đảm bảo chỗ học cho đủ số trẻ trong quận, các trường sẽ xem xét giải quyết đến những trường hợp trái tuyến khác.
Bà NGUYỄN THỊ MAI HƯƠNG, Phó Phòng Giáo dục quận 5

5/5 (2 bình chọn)