Đeo thẻ dự thi với số báo danh, các thí sinh nhí vừa rời trường mầm non sinh năm 2007 (năm được xem là heo vàng) theo chân thầy cô vào khu vực kiểm tra kiến thức tư duy logic, kể chuyện theo tranh và tiếng Anh.
Sáng 31/5, trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Từ Liêm, Hà Nội) tổ chức kiểm tra lựa chọn học sinh lớp 1. Năm nay, do áp lực “heo vàng”, số học sinh đăng ký dự thi tăng khoảng 300 so với năm trước, lên gần 1.500 trong khi chỉ tiêu là 600. Nhà trường dành 34 phòng học để tổ chức kiểm tra với 44 em một phòng. Khu vực thi có cán bộ trường và công an tham gia đảm bảo an ninh, hướng dẫn phụ huynh.
Đeo thẻ dự thi trên cổ, các thí sinh nhí mầm non xếp thành hàng theo chân thầy cô lên phòng thi. Một số vui vẻ vẫy tay chào người thân, nhưng cũng không hiếm cháu khóc không chịu vào nếu không có mẹ. “Hà Phương ơi con nhớ vị trí 27. Cố làm bài tốt con nhé”, một phụ huynh gọi với khi bé bắt đầu lên phòng kiểm tra.
Ông Nguyễn Nam (70 tuổi) đưa cháu đến trường chép miệng “giá mà mẹ thi, con học thì tốt biết mấy”. Ông bảo, con trai và con dâu thích cho cháu đi thi để có kinh nghiệm. Dù không đồng tình, muốn cháu được vui chơi nhưng ông cũng không thể phản đối. “Để chuẩn bị cho kỳ thi này, cả bố mẹ và cháu phải học cùng nhau trong nhiều ngày. Tôi thấy các con còn lo lắng, áp lực hơn cháu bé”, ông Nam nói.
Có con gái đang học ở trường với kết quả khá tốt, chị Hương Thu (Ba Đình) tiếp tục cho con trai thi vào đây. Trường lại khá gần nơi chị làm việc nên tiện đưa đón. Để con làm quen với cách kiểm tra đầu vào, chị Thu cho biết đã cho con tham gia Câu lạc bộ Tuổi thơ do trường tổ chức. “Các cô dạy cháu kể chuyện, tư duy, tiếng Anh và những dạng đề bài theo cấu trúc đề thi để con làm quen. Vì vậy tôi tin tưởng cháu sẽ không bỡ ngỡ khi thi”, chị Thu nói.
Sau 60 phút trong phòng thi với các phần trắc nghiệp trí tuệ, kể truyện theo tranh và kiểm tra năng khiếu ngoại ngữ, trẻ lại được cô đưa xuống sân để trả lại cho bố mẹ. Những câu hỏi “làm bài được không con”, “con làm tốt chứ”, “đề có khó không” liên tiếp được đưa ra.
“Minh ơi, mẹ ở đây”, một phụ huynh gọi. Lập tức, một người khác nhắc nhở: “Chị nên gọi cháu bằng tên ở nhà vì cả phòng thi đều tên Minh, con nghe sẽ không biết gọi mình đâu”. Phụ huynh này cho biết, ngoài phòng thi này, hai phòng khác cũng toàn các cháu tên Minh.
Liên tục kêu nóng và nhờ mẹ quạt, bé Hà Minh cho biết đề thi dễ. Phần tư duy logic con làm rất nhanh, tiếng Anh nói tốt và kể chuyện thì “cũng được”. Dựa vào bốn bức tranh gồm có một con hổ, ba con thỏ và một con voi, Minh đã kể được câu chuyện hoàn chỉnh. “Con chắc là mình sẽ đỗ”, Hà Minh tự tin nói.
Còn bé Đặng Bình Minh cười tươi kể lại câu chuyện dựa theo bức tranh cô cho: “Một hôm ba con thỏ đang dạo chơi tự nhiên gặp một con hổ. Con thỏ hỏi tôi làm gì anh đâu mà anh định ăn thịt chúng tôi. Ba con thỏ liền bỏ chạy. Con voi đang uống nước nhìn thấy ba con thỏ, nó bảo trèo lên lưng tôi đi. Rồi con voi uống nước và thổi vào mặt con hổ”.
Bình Minh cho rằng, đề thi không khó, cô hỏi gì con cũng trả lời được. Mẹ bé cho biết thêm, trước khi thi không bắt cháu phải ôn nhiều vì cháu đã học ôn ở đây, kiến thức cơ bản đã được thầy cô dạy kỹ. Chị quan niệm, trẻ cần được vui chơi nhưng vẫn phải học vì các cháu đang trong giai đoạn hình thành nhân cách và trí tuệ. “Tôi sẽ cho con thi cả trường Thực nghiệm để thử thách ở những môi trường khó. Có như vậy lớn lên con mới trở thành người xông pha”, người mẹ cho hay.
Bà Nguyễn Thị Hiền, Hiệu trưởng trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm cho rằng lựa chọn học sinh là quyền của các trường dân lập. Về cơ bản, các con đủ 6 tuổi, có khả năng phát triển bình thường thì đều được nhận. Trường cũng không bắt các cháu phải biết đọc, biết viết mà vào phòng thi, cô giáo sẽ hướng dẫn làm từng bài.
“Để làm đề thi chúng tôi đã nghiên cứu kỹ chương trình mầm non 5 tuổi, sách tư duy logic bán ở ngoài thị trường dành cho trẻ mẫu giáo nên hoàn toàn không có áp lực như phụ huynh vẫn nghĩ”, bà Hiền nói.
Hoàng Thùy – VnExpress.Net