Không được… ị trong lớp, hạn chế uống nước để đỡ tè dầm, tự làm vệ sinh… là cảnh khá thường thấy trong một số trường mầm non công lập, đặc biệt là ở những trường mầm non quá tải.
Mục lục
“Cô không cho ị”
Trên webtretho, một diễn đàn về chăm sóc, nuôi dạy con, nhiều bậc phụ huynh cùng chia sẻ bức xúc này. Một thành viên có con học tại một trường mầm non công lập của quận Hoàn Kiếm không giấu được sự bực mình khi chia sẻ: “Con mình đi học được gần 1 tháng thì táo bón. Nhưng lạ một điều là chỉ táo bón những ngày trong tuần, còn 2 ngày cuối tuần nghỉ ở nhà thì lại đi vệ sinh rất đều. Cứ nghĩ là con bị nóng, không chịu ăn rau nhưng hỏi ra mới biết, ở lớp các cô chỉ cho phép đi tiểu chứ không được đại tiện. Các con phải “nhịn” nên thành quen, có bạn phải đi bác sĩ để thụt tháo mới hết”.
Một thành viên khác cho biết, trường của con chị các cô còn hạn chế cho trẻ uống nước, nhất là sau khi ăn cơm trưa xong chuẩn bị đi ngủ “Con đi học về kêu khát nước, nói ở lớp cô không cho uống, cô bảo uống nhiều rồi đái dầm, cô không dọn được, chỉ được uống theo giờ của cô thôi”.
Không chỉ vậy, ở hầu hết nhà vệ sinh của các trường đều không có giấy cho trẻ lau sau khi đi vệ sinh. Chị Hà (quận Hoàng Mai) cho hay, thỉnh thoảng thấy vùng kín của con bị hăm đỏ, chị vệ sinh kỹ cho con nhưng vài ngày sau lại bị lại. Hỏi ra mới biết ở trường các con tự đi vệ sinh, sau khi tiểu tiện không được lau khô mà cứ thế kéo quần lên. Thậm chí bé nào đi đại tiện, cô giáo đưa giấy cho bé đi xong thì tự lau chứ cô không trực tiếp lau, rửa cho bé.
Một số phụ huynh đã góp ý với cô giáo nhưng đều nhận được câu giải thích: Không để giấy vệ sinh trong toilet vì các con hay nghịch, xé giấy nhét vào bồn cầu làm tắc. Vì thế, cô giáo chỉ phát giấy vệ sinh cho cháu nào thấy cần thiết.
Áp lực của quá tải
Nhiều giáo viên mầm non thừa nhận thực tế không thể chăm sóc kỹ chuyện đi vệ sinh của trẻ.
M.P, một cô giáo dạy lớp mẫu giáo bé phân trần: “Lớp tôi có 56 cháu, chỉ có 2 cô phụ trách phải làm đủ mọi việc. Từ bê sữa cho các cháu uống, dạy học, dọn cơm, xúc cơm, cho các cháu đi ngủ, dọn dẹp lớp nếu có trẻ nôn trớ… nên quả thật không thể nào chăm sóc từng cháu khi đi vệ sinh được. Chúng tôi phải đặt ra nội quy để các cháu đi vệ sinh theo giờ, ví dụ như buổi sáng, đón trẻ vào lớp xong chúng tôi yêu cầu các cháu đi vệ sinh, sau đó rửa tay, uống sữa và học bài. Trước khi ngủ trưa và sau khi ngủ dậy, các cháu phải đi vệ sinh một lần nữa. Tuy nhiên, không thể tránh được việc vài phút lại có cháu xin đi vệ sinh. Cô giáo không thể có ba đầu sáu tay để lau chùi hết cho từng cháu được”.
Hầu hết các cô giáo đều khẳng định không cấm trẻ đi vệ sinh nhưng cũng đặt vấn đề phụ huynh nên hiểu và giúp cô giáo trong việc dạy, hướng dẫn trẻ tự làm vệ sinh cá nhân.
Hiệu trưởng một trường mầm non công lập chia sẻ: Nếu phụ huynh chứng kiến một ngày học của trẻ mới thấy các cô thật sự vất vả như thế nào. Từ sáng đến chiều, các cô phải cho trẻ ăn ít nhất 3 bữa (1 bữa chính, 1 bữa phụ và 1 bữa sữa); tổ chức cho trẻ học, chơi; dọn dẹp phòng lớp, đó là còn chưa kể những phụ huynh gửi thuốc, gửi sữa nhờ cô cho uống thêm. Vì thế, bà rất mong phụ huynh cùng hợp tác với nhà trường, hướng dẫn con cách đi vệ sinh đúng chỗ và biết cách tự làm vệ sinh cá nhân, có thể bằng cách gửi riêng khăn cho cô giáo để cô nhắc trẻ lau sau khi đi vệ sinh.
Theo các bác sĩ chuyên khoa Tiết niệu, việc nhịn tiểu tiện, đại tiện hoặc không giữ vệ sinh vùng kín dễ khiến các bé bị viêm nhiễm đường tiết niệu. Trong môi trường lớp đông, cô không chăm sóc được thì phụ huynh cần chú ý lau rửa cho các bé mỗi khi bé ở trường về và mỗi sáng trước khi thức dậy, dạy con cách lau chùi hoặc rửa chỗ kín sau khi đi vệ sinh. Đó cũng là một cách để vừa giảm áp lực cho các cô, vừa đảm bảo vệ sinh cho trẻ.
Theo Nguyên Minh
Lao Động