Giật mình nghe con hát bố “à ơi” cô giáo khi từ trường mầm non về

Vợ chồng chị to tiếng với nhau tất cả cũng chỉ bởi mấy câu hát xuyên tạc mà con mang về nhà biểu diễn từ trường mầm non.

Đang nấu cơm thấy bé Xún ngồi phòng ngoài nghêu ngao hát: “Ai hỏi cháu cháu học trường nào đấy, lớp thì ghê, bạn cùng lớp lại dê”…, chị Mai (Hồ Tây, Hà Nội) giật mình thon thót, lật đật chạy ra mắng con.

Bé Xún được 3 tuổi, bé mới được bố mẹ cho đi học trường mẫu giáo ngay gần nhà được mấy tháng, niềm vui vì con nhanh chóng hòa đồng với trường lớp, bạn bè trong anh chị ngày càng bị dập tắt khi ngày này qua ngày khác, con lại tiếp thu một bài nhạc chế về hồn nhiên biểu diễn cho bố mẹ nghe.

Chị nhớ lại tuần trước vợ chồng chị xảy ra cuộc “nội chiến” chỉ bởi câu hát của Xún: “Cô yêu cháu vì có ba đón về, ba đón về là thẳng nhà cô giáo, về nhà cô giáo ba ở luôn từ sáng đến chiều, là lá la la…”

“Chỉ vì câu hát ba lăng nhăng của Xún mà mẹ nó ‘hành tỏi’ mình suốt cả ngày hôm ấy. Mà càng cấm con hát thì nó hát càng hăng say mới chết chứ”, anh Tâm – bố bé than thở.

Chị Thảo (Chân Cầm, Hà Nội) lại có suy nghĩ khác, chị không cấm đoán mà còn thi thoảng hát nhạc chế cùng con. Chị cho rằng đó cũng là một cách ‘làm bạn’ với con: “Tụi trẻ con bây giờ rất nhanh lắm, nhất là khi tiếp thu mấy bài nhạc chế ấy, cái gì càng không chính thống thì con bắt chước, thuộc càng nhanh. Tuy nhiên, mình vẫn chỉ cho bé ‘hát linh tinh’ trong một khuôn khổ nhất định, chế thì chế nhưng vẫn phải nghiêm túc. Thêm vào đó, mình thấy nhờ mấy bài này mà con sáng tạo hơn hẳn, phải những đứa trẻ thông minh mới có thể nghĩ ra lời các bài đó”.

Giật mình nghe con hát bố “à ơi” cô giáo khi từ trường mầm non về
Vợ chồng chị to tiếng với nhau tất cả cũng chỉ bởi mấy câu hát xuyên tạc mà con mang về nhà biểu diễn (Ảnh minh họa)

Chị cười tủm tỉm khi đưa ra một dẫn chứng của con: “Đời mình thèm một bát canh sườn, mẹ làm là thôi xong, căng rốn. Ngon tuyệt ngon, tèn ten ten tén tèn…”.

Tuy nhiên, cái sáng tạo của con đâu chưa thấy, chị chỉ nhận thấy không ổn khi có một ngày bé hát “Có một loài chim không bao giờ bay, là loài chim quý to bằng cái cổ tay”. Lúc bị mẹ mắng, bé Na còn ngơ ngác: “Ơ, sao mẹ mắng con, con sáng tạo thế cơ mà”.

Anh Tuấn (Quận 7, TP HCM) cũng “khiếp sợ” khi nghe con hát: “Hôm qua em đốt nhà, mẹ đánh em gần chết ớ ơ, hôm nay mẹ lên nương, một mình em đốt tiếp, con gà kêu cúc cú, con chó kêu gâu gầu, com mèo kêu như hát, em với nhà đen thui”…

Anh tâm sự: “Chẳng thích con hát những bài này nhưng biết làm sao khi ngày ngày con đến trường lớp rồi tiếp thu triệt để chúng. Không những thế sau hôm Giao thừa, con mình ngày nào cũng ông ổng bài nhạc chế Chiếc khăn Piêu, gì mà:  “Thằng nhà giàu cầm dao bầu đâm vào hầu mà ông anh trai, ông anh trai né ngay cầm cái ghế gỗ chụp lên đầu…”, nghe cũng hài hài nhưng không biết con có bị ảnh hưởng gì không?”.

Chuyên gia tư vấn Hồng Hà cho biết, đối với trẻ con, việc hát nhạc chế, xuyên tạc lời bài hát dường như là một trò chơi, trò đùa vui vui. Bé dưới 6 tuổi thường chưa hiểu được nội dung mà chúng hát, cứ thấy khi  mình hát mà bố mẹ, bạn bè cười là bé càng thích chí. Bé coi đó là một tín hiệu tích cực, khuyến khích từ mọi người xung quanh. Tuy nhiên, nhạc chế dù nội dung không phản cảm nhưng đó cũng không phải là lời bài hát chính thống, cha mẹ có thể cùng con điều chỉnh dần dần từ ngữ sao cho phù hợp.

Không nên cười đùa theo, hưởng ứng hoặc hát theo khi nghe thấy con hát sai, cha mẹ cần nghiêm mặt và tỏ thái độ không bằng lòng, sau một vài lần như vậy con sẽ hiểu và thay đổi.

Thêm vào đó, trong tình huống này, cha mẹ nên nhẹ nhàng khuyên bảo con chứ không nên quát mắng, đánh đòn. Đánh mắng càng khiến con sợ và không hợp tác.

Theo afamily

Đánh giá