Trường mầm non Họa Mi – Trong một lần soạn bài giảng, cô giáo phụ trách lớp mẫu giáo tròn mắt ngạc nhiên khi thấy cậu học trò mới bốn tuổi bất ngờ tay cầm giáo án đọc vanh vách…
Trong một lần soạn bài giảng, cô giáo phụ trách lớp mẫu giáo tròn mắt ngạc nhiên khi thấy cậu học trò mới bốn tuổi bất ngờ tay cầm giáo án đọc vanh vách hàng chục trang để mình đánh máy. Chưa kịp mừng vì con không học mà cũng biết chữ, cha mẹ bé Nguyễn Huy Đức Duy (ngụ Khu đô thị Bắc Linh Đàm, Hà Nội) lại hoang mang, lo lắng khi không phân biệt nổi con mình là “thần đồng” hay đang mắc chứng bệnh Asperger (rối loạn phổ tự kỷ).
Bé mẫu giáo đọc vanh vách giáo án
Tại trường mầm non tư thục Khu đô thị Bắc Linh Đàm, dù là người phát hiện ra cậu học trò “thần đồng”, nhưng cô Nguyễn Thanh Phương, phụ trách lớp mẫu giáo c4 vẫn tỏ ra vô cùng ngạc nhiên với những khả năng kỳ lạ của bé Duy. Mới tròn 4 tuổi, trong khi những đứa trẻ cùng trang lứa vẫn đang chơi đồ chơi ô tô, xếp hình, siêu nhân thì Duy đã có thể thuộc mặt hết bảng chữ cái, đọc thông thạo, làm tính, nhớ chính xác số di động của từng người trong gia đình.
Thậm chí không chỉ thuộc lòng bảng cửu chương mà ngay cả sách báo chữ cỡ nhỏ và các chữ viết theo lối thư pháp bé cũng có thể cầm lên đọc vanh vách. Ngoài ra, Duy còn có một số biệt tài khác như: Thuộc lòng giờ phát các chương trình tivi, sử dụng “điêu luyện” các loại điện thoại công nghệ cao.
Cô Phương nhớ lại, Duy mới vào trường học được gần 3 tháng, ban đầu bé cũng đùa nghịch như các bạn khác, không thể hiện gì đặc biệt. Nhưng thời gian gần đây bé có nhiều biểu hiện thông minh, sáng dạ khác hẳn các bạn cùng lớp. Đến một hôm, khi các bạn đã ra ngoài sân nô đùa hết thì Duy vẫn luẩn quẩn trong lớp cạnh cô giáo.
Thấy Duy chơi ngoan nên cô không nói gì mà mải mê gõ giáo án cho buổi học tiếp. Bỗng dưng cậu bé hỏi mượn cô giáo cuốn giáo án rồi cầm trên tay đọc rõ ràng từng chữ mà bình thường học sinh lớp 1, 2 chưa chắc đã sõi bằng. Bất ngờ trước khả năng kỳ lạ của học trò, cô vội kiểm tra lại nhưng thấy bé không đọc sai một chữ nào. Vậy là suốt buổi đó, bé Duy đọc một mạch cả chục trang để cô giáo đánh máy.
Thấy hiện tượng lạ, cô đem chuyện kể với các giáo viên khác trong trường. Lúc đầu, ai cũng cho là cô giáo “lăng – xê” học trò lớp mình lên thôi chứ làm gì có chuyện một đứa trẻ 4 tuổi chưa từng được dạy chữ mà lại đọc thông thạo tương đương trình độ của một học sinh tiểu học. Thấy không ai tin chuyện, cô lấy sổ danh bạ của lớp và bảo bé đọc tên các bạn trong lớp.
Trước sự chứng kiến của các cô giáo, bé Duy đọc vanh vách từng chữ, không sai lỗi chính tả nào, kể cả các tên khó đánh vần nhất. Để thử tài Duy, có cô giáo còn thử cho bé đọc các từ hàng trăm, hàng nghìn. Thật bất ngờ, bé đọc chính xác đến từng đơn vị, kể cả đếm ngược hay xuôi. Kể từ đó, Duy trở thành “thần đồng” ở lớp mẫu giáo bởi tài đọc chữ và đếm chính xác của mình.
“Điều thú vị và ngạc nhiên nhất là bé lại có khả năng như vậy trong khi tôi chưa từng dạy bé học chữ. Ngay cả ở nhà bố mẹ bé cho biết cũng chưa từng cho con học qua một chương trình giáo dục nào”, cô Phương khẳng định.
“Thần đất” hóa “thần đồng”
Trước những khả năng kỳ lạ của bé Duy, cô Phương đã thông báo cho gia đình về “thành tích” đọc thông, đếm thạo, tính chính xác của bé ở trường. Gia đình Duy “bán tín bán nghi” vì hàng ngày bé không có biểu hiện gì khác lạ, thậm chí nhiều lúc còn giống “thần đất” hơn.
Theo bố mẹ bé Duy, so với bạn bè cùng trang lứa thì bé thuộc dạng chậm nói, hơn 3 tuổi mới nói được các từ đơn giản như: bố, mẹ, chị… thậm chí nói cũng không rõ. Hơn nữa, bé đã 4 tuổi nhưng vẫn đòi ăn cháo và rất thích ăn mì xào omachi, không thích ăn cơm. Còn lại cha mẹ vẫn chăm nuôi bé như bao trẻ em khác. Chỉ có điều khác lạ là bé thích chúi mũi vào mày mò, tìm hiểu các thiết bị vô tuyến, máy tính hơn vui đùa, chuyện trò cùng bố mẹ nhưng nghĩ con trẻ nghịch ngợm lung tung nên cha mẹ bé cũng không để ý.
Để kiểm chứng lời cô giáo nói, cả nhà đưa một tờ báo cho Duy xem. Quả thật, Duy đọc trôi chảy, với những từ viết tắt như UBND, GD&ĐT, TP.HCM và các kí hiệu %… đều chính xác. Từ đó, mọi người trong nhà, từ bố mẹ, ông bà và chị gái đều đã tin con “lột xác” thành “thần đồng”. Không chỉ gia đình bé Duy, mà nhiều người hàng xóm cũng phải lắc đầu khán phục cậu bé bốn tuổi khi đến đố bé phép tính hay chỉ mặt chữ.
Nỗi vui mừng khi sinh được cậu con trai “thần đồng” chưa được bao lâu thì cả nhà bé Duy lo lắng khi xem chương trình tivi “chăm sóc sức khỏe cho bé” thấy nói về chứng bệnh Asperger (rối loạn phổ tự kỷ) của các bé phát triển tư duy sớm bất thường.
Theo đó, những bé bị hội chứng Asperger thường biểu hiện không thích chơi với các bạn cùng lứa tuổi, người khác hỏi không thích trả lời, nhưng thỉnh thoảng lại nói một mình hoặc nói những điều chẳng liên quan. Biểu hiện của bệnh này còn có xu hướng lười vận động, không thích các môn thể dục nhưng đôi khi lại có chỉ số thông minh đặc biệt suất sắc trong một số lĩnh vực.
Các bé nhận biết chữ, số nhanh, thậm chí đọc sách tốt nhưng những việc dễ dàng như gọi tên bố mẹ, đồ vật, phân biệt màu sắc thì lại không làm được dù được dạy cặn kẽ.
Thiên tài hay tự kỷ?
Bà Tạ Thanh Vân (mẹ bé Duy) kể lại, vậy là sau khi biết thông tin này cả nhà một phen hoảng hồn vội tìm kiếm thông tin trên internet về căn bệnh, tham khảo ý kiến của những cha mẹ khác, gọi điện xin bác sĩ tâm lý – thần kinh tư vấn… Chưa hết, sợ con mắc bệnh nên gia đình đã thống nhất kết hợp với nhà trường luôn theo dõi sát sao mọi hành động bất thường của bé.
“Tuy nhiên, đến giờ rất may theo thông tin từ nhà trường, con tôi không có dấu hiệu của bệnh trầm cảm hay chứng tự kỷ. Ở trường bé rất lanh lợi trong sinh hoạt, ăn ngủ tốt, và rất năng động trong các môn thể thao, với bạn bè rất hòa nhã, thậm chí là biết nhường nhịn bạn khi giành đồ chơi”, bà Vân nói.
Lý giải về những trường hợp trẻ bỗng dưng thành “thần đồng”, Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Minh Đức (Trung tâm nghiên cứu tâm lý và bệnh tâm lý trẻ em) khẳng định: “Các bé có sự thông minh đột phá không thể coi là biểu hiện của chứng bệnh Asperger, muốn có câu trả lời chính xác phải trải qua một quá trình kiểm tra mới biết được”.
Cũng theo tiến sĩ Đức, nhiều bậc phụ huynh còn nhầm tưởng con có khả năng vượt trội do những trẻ này thường có tư duy về toán, kỹ thuật tốt. Không ít em từ nhỏ đã có sở thích đặc biệt về mặt tri thức như toán, vật lý, có khả năng đọc sách, thuộc lòng thơ, truyện, say mê nghiên cứu máy móc, đồ điện tử, tin học… Trẻ cũng có thể có trí nhớ phi thường, khả năng tự học những gì mình yêu thích.
Ông Đức khuyên, nếu gia đình nào có con trẻ có những biểu hiện “thần đồng” thì nên đưa ngay đến khoa tâm lý của các bệnh viện để được khám và can thiệp kịp thời. Trước mắt các bác sĩ sẽ đưa ra những phương pháp để kéo “thần đồng” trở lại với sự phát triển bình thường như tiến hành trị liệu hành vi, giáo dục chuyên biệt, tâm vận động, kỹ năng sống giao tiếp… “Nếu không được can thiệp sớm thì những thần đồng khi đến tuổi đi học sẽ rất khó hòa nhập với các trẻ cùng lứa tuổi”, vị tiến sĩ này cảnh cáo.
Thiên tài cũng từng bị nghi là “mắc bệnh”
Trường hợp bé Nguyễn Huy Đức Duy không phải là duy nhất ở nước ta. Nhiều cháu khác như Nguyễn Tuấn Kiệt (3 tuổi, ngụ xã Nghi Thu, thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An); Hoàng Minh Tân (ngụ thị trấn Na Dương, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn); Đinh Hào Quang (6 tuổi, trú tại Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế); Đặng Văn Thủy (9 tuổi, thôn Xuân Dục, xã Xuân Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình)… như báo chí đã đưa tin đều có những biểu hiện “thần đồng”. Các bé này có đặc điểm phát triển tư duy từ rất sớm, biết đọc, làm toán mặc dù chưa một lần “tầm sư học đạo”. Trên thế giới, hai nhà bác học lừng danh thế giới là Einstein và Newton cũng đã từng bị đưa vào “tầm ngắm” của các nhà khoa học vì một số biểu hiện bất thường trong cuộc sống. Các công trình nghiên cứu ở Đại học tổng hợp Cambridge và Oxford đã cho rằng cả hai ông đều có tính lập dị, là biểu hiện của hội trứng Asperger.
Tiến Trung/ Pháp luật & Thời đại