Tập cho trẻ có thói quen đọc sách là một nghệ thuật vì không phải phụ huynh nào cũng thực hiện được. Nhất là ngày nay trẻ em có cơ hội tiếp cận nhiều trò giải trí hiện đại.
Để trẻ có thói quen đọc sách, trước tiên chúng ta phải giúp trẻ làm quen với sách, xem sách như một người bạn. Muốn làm được điều đó, hãy cho trẻ sống trong một không gian có thật nhiều sách vở. Những lúc chúng ta đọc sách, hãy để trẻ nhìn thấy. Và quan trọng là cha mẹ hãy đọc sách cùng với trẻ.
Mục lục
Làm quen với sách
Bà Ngô Thanh Giang, Giám đốc điều hành trường Mẫu giáo song ngữ Bee’s Daycare, chia sẻ: “Khi được 18 tháng tuổi, trẻ đã bắt đầu có những nhận thức đầu tiên về ngôn ngữ. Việc cho trẻ làm quen với sách, báo ngay từ nhỏ là rất quan trọng. Lần đầu tiên cầm sách, trẻ có thể làm quen với việc nhìn và lật qua các trang sách. Đồng thời trẻ cũng có thể học được những điều cơ bản nhất như phải đọc từ trái qua phải, từ trên xuống dưới. Thỉnh thoảng nên đưa trẻ đi nhà sách cũng là một cách giúp bé làm quen với sách khá hiệu quả. Để thu hút sự quan tâm của trẻ, nên cho trẻ tiếp xúc với những cuốn sách có nhiều hình vẽ sinh động, màu sắc phong phú. Đồng thời ở nhà, phụ huynh cũng nên dành một góc nhỏ làm kệ sách riêng cho trẻ”.
Cách đọc cũng quan trọng
Trẻ em thường không tập trung được lâu, nên phương pháp đọc rất quan trọng. Trước khi đọc, chúng ta cần lựa chọn những cuốn sách có nội dung đơn giản, độ dài vừa phải và phù hợp với lứa tuổi của con mình. Hằng ngày để cậu con trai đang học lớp 4 chịu đọc sách, anh Sơn (Q.12, TP.HCM) thường chia một câu chuyện hoặc một bài đọc trong sách thành nhiều đoạn khác nhau, mỗi đoạn cách nhau khoảng 5-10 phút. “Lúc đầu tôi thường đọc hết cả câu chuyện nhưng thấy con tỏ ra thiếu tập trung vì chuyện quá dài nên tôi chọn cách này. Trước mỗi lần đọc đoạn tiếp theo, tôi thường hỏi lại xem con có nhớ những gì mình đã đọc lúc trước không, mỗi khi trả lời được, bé thường rất thích thú”, anh Sơn nói.
Muốn con có thói quen yêu sách nên ngay khi bé Hoa lên lớp 1, gia đình chị Phương Anh (Q.Gò Vấp, TP.HCM) đã cùng nhau đọc sách cho con. “Nhà có nhiều thế hệ nên cũng tiện, mỗi khi bé thích nghe truyện cổ tích, bà nội sẽ đọc, còn với những sách khoa học đơn giản thì hai vợ chồng hoặc anh của bé Hoa (học lớp 8) sẽ đọc cho bé nghe. Vì mỗi người có một cách đọc khác nhau nên bé không thấy nhàm chán”.
Sách dành cho trẻ thường có nhiều hình ảnh minh họa, khi đọc nên hướng dẫn để trẻ nhìn thấy và hiểu nội dung của các hình vẽ. Khi khả năng tư duy của trẻ còn hạn chế, cha mẹ nên đọc từ từ để trẻ có thời gian suy nghĩ về câu chuyện mà mình đang được nghe. Để trẻ thêm thích thú với sách, thi thoảng trong quá trình đọc, phụ huynh có thể cho bé tự đoán kết thúc của câu chuyện theo trí tưởng tượng của mình. Cho trẻ có cơ hội hóa thân thành các nhân vật trong sách cũng là một cách giúp bé thêm gắn bó với sách nhiều hơn. Đồng thời trong quá trình đọc sách, hãy liên hệ câu chuyện trong sách với những tình huống trong cuộc sống hằng ngày để trẻ cảm thấy sách rất gần gũi và có ích.