Bất chấp phân tích, tư vấn, giải thích của giới chuyên môn, cuộc chạy đua ngay từ khi chuẩn bị vào lớp 1 với trẻ mầm non vẫn diễn ra khá công khai và… quyết liệt. Và cũng vẫn như xưa, “quả bóng” nguyên nhân lại được đá qua đá lại giữa các bên.
Nguyên nhân “đầu tiên”?
Trong bài viết có tựa đề “Đơn giản hóa việc trẻ vào lớp 1” đăng trên báo Thanh Niên ngày 1/5, Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn viết: “Đến trường tiểu học là chặng đường hiển nhiên của trẻ sau khi kết thúc bậc mầm non. Thế nhưng hiện khá nhiều phụ huynh và một số người có chuyên môn lại quan niệm điều này hết sức bất thường”.
TS Sơn đồng thời cũng nêu rõ: có tới hơn 90% phụ huynh quan niệm sai lầm là trẻ vào trường tiểu học phải biết đọc, biết viết, biết làm các phép tính. Điều đó dẫn tới hậu quả là cha mẹ thường cho trẻ học trước, song thực tế cho thấy những trẻ được học trước chương trình lớp 1 trước khi vào trường tiểu học trong những tháng đầu có thể hơn những trẻ khác chưa học chương trình đó. Nhưng theo những khảo sát gần đây, chỉ 4-5 tháng sau là “hòa cả làng”, trình độ học sinh trong lớp đều ngang nhau, bất kể xuất phát điểm đã biết chữ hay còn “mù chữ”.
Cũng về vấn đề này, VOV dẫn phân tích của GS. Hồ Ngọc Đại – người dành cả cuộc đời gắn bó với việc dạy trẻ lớp 1 nêu rõ: “Các bậc cha mẹ có tâm lý rất kỳ vọng vào con mình, mong muốn cho con mình đủ mọi chuyện, nhưng họ không hiểu rằng trẻ con rất hồn nhiên; bên cạnh đó, phương pháp giáo dục hiện nay rất bất cập, không phù hợp với trẻ con hiện đại”.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có văn bản cấm dạy trước chương trình ở bậc mầm non. Những người đứng đầu ngành giáo dục biết rất rõ điều đó. Nhưng vì sao vi phạm vẫn ngang nhiên xảy ra như là “chuyện bình thường”, nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh?
GS. Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội vạch rõ: “Các trường phải ngăn giáo viên làm những việc này. Vì phụ huynh muốn cho con vào trường tốt nên đi cầu cạnh tìm giáo viên của trường đó dạy thêm cho con mình. Việc dạy thêm đó chẳng qua là làm quen với giáo viên để mong giáo viên đó giúp đỡ cho con mình”… Sự lựa chọn và tính toán kỹ của phụ huynh khi tìm giáo viên để gửi gắm con mình cũng dẫn đến tình trạng “chạy” trường, “chạy” lớp – một cuộc đua lặng lẽ nhưng rất “nóng” trong mỗi mùa tuyển sinh đầu cấp.
Hàng ngàn ý kiến khác nhau đã được bạn đọc bày tỏ qua diễn đàn, xoay quanh “nỗ lực xác định thủ phạm” đẩy thế hệ mầm non của chúng ta vào cảnh bị nhồi nhét kiến thức từ quá sớm. Có lẽ đây cũng lại là chuyện “cũng chỉ có ở VN”, khi hiện nay dường như không chỉ các bậc phụ huynh mà đại đa số người dân đều đã buộc phải làm quen và sống chung với các cuộc chạy đua (dù rất vô lý) trong mọi lĩnh vực mất rồi.
Ngay cả một số người bênh vực cho “chuyện thường ngày ở huyện” trong lĩnh vực giáo dục như vậy cũng không thể không ca thán vì thấy rõ “lợi bất cấp hại” trong việc làm rõ ràng là trái khoáy này:
“Tôi cũng là giáo viên mầm non. Tôi thấy thật sự là không chỉ riêng ở HN, mà tại Tp HCM cũng vậy. Thi tuyển vào lớp 1 có 3 môn rõ ràng: tập đọc, tập viết, làm toán. Thử hỏi như thế thì không dạy trước làm sao được, nếu không phụ huynh lại bảo trường này dạy không tốt. Nói thật, dạy mầm non rất mệt mỏi vì phải gánh thêm các vấn đề tự nảy sinh của bậc tiểu học. Cứ vậy thì không biết đến khi nào trẻ 5 tuổi mới thật sự được chơi. Bố mẹ gửi ở trường cả ngày, tối về lại đi học thêm, con cái quay cuồng với chữ” – Thanh Hương: cansdynow78@yahoo.com tâm sự.
“Tôi thấy quan niệm cho trẻ học chữ sớm có tác hại là… tư duy lạc hậu quá rồi. Có lẽ ai cũng nhận thấy dường như trẻ nhỏ bây giờ phát triển và thông minh hơn thời của chúng ta vài chục năm trước. Và nếu các trường tiểu học chỉ nhận trẻ có chứng nhận học qua mầm non, thì có nghĩa vào trường mầm non là các cháu được dạy học chữ? Thậm chí còn được dạy tiếng Anh trước? Bằng chứng là có nhiều đơn vị quảng cáo dạy tiếng Anh mầm non đó. Thế thì sao các cháu không được học tiếng Việt hệ mầm non nhỉ??? Tôi thấy thế là mâu thuẫn, vì nếu việc học chữ trước là sai thì lỗi này do Bộ GDĐT quản lý không tốt, hoàn toàn không phải lỗi do phụ huynh….” – Nick Ok_ngon: ok_ngon@yahoo.com.vn vạch rõ mâu thuẫn giữa lời nói với việc làm trong khâu quản lý của ngành chủ quản.
Ý kiến phản bác từ phía phụ huynh đã nêu rất nhiều. Ở đây, chúng tôi chỉ xin trích đăng thêm một số phân tích về cái được cho là hiện tượng phụ huynh quá kỳ vọng vào con cái mình.
Vu Lien vuphuonglien82@gmail.com khẳng định:
Bất kỳ phụ huynh nào cũng không muốn cho con cái đi học chữ sớm, vì như vậy thời gian chơi của con không còn nhiều. Tuy nhiên Vụ trưởng Vụ giáo dục Tiểu học mới chỉ xem qua chương trình học của các con, mà chưa đi vào kiểm tra sách vở của các cháu học lớp 1. Nếu Vụ trưởng xuống một trường tiểu học bất kỳ và kiểm tra giáo án cũng như vở bài tập của các cháu, có lẽ Vụ trưởng sẽ hiểu tại sao chúng tôi phải cho con cái đi học chữ sớm như vậy, tại sao buổi tối con tôi vẫn phải đi học thêm tại nhà cô giáo sau khi đã đi học 8 tiếng ở trường…
Phạm Thị Phương Thảo lva11012010@gmail.com nêu rõ hơn:
Tôi nghĩ nguyên nhân sâu xa của việc phụ huynh cho con em mình đi học chữ trước khi vào lớp 1 là để chạy đua vào trường điểm, lớp chọn, được học cô giáo giỏi. Vì vậy khẩn thiết mong Bộ GDĐT ở cấp tiểu học quán triệt tình trạng học trái tuyến, trường chuyên, lớp chọn và nên để ban phụ huynh bốc thăm chọn giáo viên cho từng lớp. Điều này cũng để tránh được nạn tiêu cực chay chọt, chọn trường, chọn lớp, chọn cô.
Nguyen Trung Dung nguyentrungdung1972@gmail.com một lần nữa nhấn mạnh sự buông lỏng trong công tác quản lý:
Một hiện tượng xảy ra với hầu hết trẻ em đô thị thì không thể bảo là do sự kỳ vọng của phụ huynh được. Hơn nữa, hiện tượng này rõ ràng chỉ là chuyện miễn cưỡng phải làm đối với các phụ huynh. Xin hỏi ông Thành: Là người được giao trách nhiệm quản lý ngành tiểu học, ông có mong muốn phụ huynh cho con đi học trước không? Nói là không, thế thì tại sao các vị vẫn cứ để cho tình trạng cả xã hội cho con đi học trước vậy? Thế có thể gọi là đã làm tốt công tác quản lý được chưa?
Phạm Văn Việt vanviet.pham@gmail.com nêu dẫn chứng để giải thích cho thực tế: việc gì dính dáng tới sự học của con cái là phụ huynh đều phải miễn cưỡng “tự nguyện” – vô hình trung tạo cơ hội cho các trường, các thầy cô “lách” quy định của Bộ một cách “hoàn hảo”.
Việc này đúng là phải ở vào hoàn cảnh mới thấy, rõ ràng là cần phải thực hiện nghiêm chủ trương cấm dạy trước cho các cháu. Thú thực tôi cũng có con nhỏ chuẩn bị vào lớp 1 và đang phải đưa cháu đi đến nhà cô tuần 2 buổi tối học thêm chữ (học cách tập viết chữ… theo vở và nội dung mà đáng lẽ vào lớp 1 các cháu phải học và được học). Mình thực sự không muốn nhưng chả biết làm thế nào vì mình định không cho con đi học. Nhưng nghe mấy đồng chí bạn nói: có trường hợp không cho đi học, đến khi vào lớp 1 cả lớp học sinh nào cũng biết trước hết, còn mỗi con bạn không cho đi học thì chả biết gì. Thành ra cháu tự ti, không giao tiếp với ai. Cô cũng mặc nhiên coi như cháu biết rồi, sau thành ra cháu trở nên tự kỷ.
Cũng thật là khổ! Mới tuổi mẫu giáo mà tuần 2 buổi tối cháu phải đến nhà cô sẽ chủ nhiệm lớp 1 học chương trình lớp 1. Cháu nào mà không đi thì sau học cô chắc là sẽ rất khổ. Chắng may bị cô “trù” nữa thì căng lắm. Nên thôi đành tặc lưỡi cho con đi học trước… cho lành, dù trong lòng vẫn nghĩ khổ thân cho mấy đứa trẻ con.
Ngoài ra, thấy các cô kiếm tiền cũng dễ thật. Con mình đi học mỗi buổi 80k, cả lớp (mình đếm được trên dưới 45 cháu) = 1 buổi hơn 3 triệu. Trời! tuần cô làm 2 buổi, tháng 8 buổi = trên 24M. Ngoài ra, còn các bạn lớp 1 cô đang chủ nhiệm cũng học thêm nữa, thế là tháng cô kiếm cả mấy chục triệu dễ như chơi. Vậy thì bảo sao các cô chả thích dạy thêm tại nhà?
Trái với lập luận của những người cho rằng: không cho trẻ học trước thì với một cô giáo dạy lớp 1 hiện nay sẽ là quá tải khi phải dạy đủ chương trình cho hàng chục học sinh, nhiều ý kiến vạch rõ những điều nghịch lý:
“Ngày trước cách đây 30 năm, khi tôi đi học lớp 1 cô giáo đúng là như mẹ hiền: tận tình rèn chữ, tư thế ngồi cho các cháu. Sĩ số lớp chỉ 30 cháu. Ngày nay sao tôi thấy cô giáo khác quá vậy… Dạy học thì qua loa, hình như chỉ chờ xem có cháu nào ‘kém’ hơn là mời phụ huynh đến làm việc ngay…. Sĩ số lớp trường công ít thì cũng 50 cháu, nhiều thì hơn 60 cháu. Vì vậy muốn các con không đi học chữ trước, bỏ lớp mầm non thì các vị cần phải làm được gì để cải cách nền giáo dục hiện nay, rồi hãy phát biểu như vậy…” – Nguyễn Lan Ngọc: lanngoc@yahoo.com
“Vấn đề rõ ràng không phải ở phụ huynh, mà chính là ở thầy cô và nhà trường bậc tiểu học. Thử hỏi giờ trẻ nào vào lớp 1 mà không biết chữ? Vào lớp 1 chính bản thân các cô cũng dạy qua quýt cho xong. Nếu con ai không biết chữ trước, không tiếp thu được thì bị cô đánh giá ngay là cá biệt, thậm chí có thể còn “trù dập”… Buộc bố mẹ phải cho con đi học thêm, phong bì phong bao cô hàng tháng…. Có trách thì nên trách hệ thống giáo dục Việt Nam… chứ người dân chúng tôi thì chỉ biết đành tìm cách ‘sống chung với lũ’ mà thôi. Các vị lên báo thì nói rõ là hay, nhưng thử hỏi con các vị có đi học thêm không thì biết ngay thôi” – Phương: phuongph0607@gmail.com…
“Trẻ em như búp trên cành, biết ăn biết ngủ biết học hành là ngoan” – Bác Hồ đã căn dặn như vậy. Lẽ nào ngay cả chuyện này cũng lại tự chúng ta phức tạp hóa một vấn đề thật ra rất đơn giản, để rồi lại kêu: Bài toán khó quá, không thể tìm ra lời giải? Quả bóng giờ nằm ở chân ai, người dân và chắc cả ngành GDĐT đều đã quá rõ. Vấn đề là tất cả chúng ta có… dám dũng cảm NÓI KHÔNG với chuyện thật ra rất đơn giản này không?
Kiều Anh (Dân Trí)