Trường mầm non Họa Mi – Nhăn nheo, đỏ, khô và đầy lông tơ là đặc điểm nổi bật ở làn da bé sơ sinh. Các bé sinh ra không thể ngay lập tức có làn da hoàn hảo nhưng dấu hiệu trên chứng tỏ sự khỏe mạnh trong làn da ở bé.
Làn da bé sẽ dần điều chỉnh để thích nghi với cuộc sống bên ngoài tử cung. Hầu hết các khiếm khuyết da sẽ biến mất theo thời gian. Ví dụ, bé sinh non có lớp lông tơ mềm mịn trên khuôn mặt và lưng. Bé sinh quá ngày thường có làn da bong tróc và khô. Cả hai tình trạng trên sẽ biến mất trong một vài tuần.
2. Làn da nhạy cảm
Bạn không nên dùng kem giữ ẩm trong những tháng đầu đời của bé. Nếu cần dùng các sản phẩm chăm sóc da, nên đảm bảo chúng là sản phẩm dành cho bé sơ sinh. Làn da của bé cực kỳ nhạy cảm. Các thành phần trong kem dưỡng da người lớn sẽ làm khô, mất nước và rửa trôi hết lớp dầu bảo vệ da bé. Cũng cần tránh phấn rôm vì nó gây hại cho phổi.
3. Những mảng da đỏ
Các mạch máu chưa hoàn thiện gây các mảng đỏ nhỏ trên thóp trước của bé. Chúng cũng có thể xuất hiện trên mặt, lưng hoặc cổ. Khi bé khóc, các mảng đỏ này như sưng tấy, đỏ rực lên nhưng thường sau 1 năm, mảng đỏ sẽ biến mất. Tuy nhiên, cũng có mảng đỏ ở bé rất to và không tự nhiên biến mất. Khi ấy, bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ.
4. Tắm cách quãng
Bé sơ sinh không cần tắm hàng ngày. Trong suốt vài tuần đầu tiên, bạn nên giữ sạch sẽ cho bé bằng cách vệ sinh mỗi lần thay tã, lau rửa mặt mũi cho bé. Với bé 1 tháng, 2-3 ngày tắm một lần là hợp lý. Tắm hàng ngày sẽ làm khô da bé sơ sinh.
5. Chăm sóc cuống rốn
Cho đến khi cuống rốn rụng, cần tránh cho cuống rốn bị ướt. Nếu cuống rốn bị bẩn, bạn có thể dùng cồn để vệ sinh. Khi cuống rốn rụng, bạn có thể thấy có ít máu nhưng đừng lo, nên tiếp tục vệ sinh vùng này bằng nước ấm sạch. Hãy nói chuyện với bác sĩ nếu bạn thấy vùng da quanh cuống rốn của con tấy đỏ.
6. Tránh làm da bị tổn hại mỗi lần tắm
Khi cuống rốn đã rụng thì nhớ là, làn da bé vẫn rất mỏng manh và nhạy cảm. Bạn chỉ nên đổ vào chậu (bồn) tắm của bé vài ba cm nước ấm. Kiểm tra độ ấm của nước bằng cách dùng cổ tay của bạn để đảm bảo nước tắm không quá nóng. Để làn da bé không mất nước, cần tắm cho con bằng nước ấm, chỉ trong vòng 3-5 phút. Nếu dùng kem dưỡng da, chỉ bôi chúng khi da của bé còn ẩm, dùng lòng bàn tay mẹ vỗ nhẹ lên da con, chứ không phải chà xát.
7. Tóc của bé
Nếu bé có tóc dày, bạn có thể dùng dầu gội cho bé 1-2 lần mỗi tuần. Cũng không vấn đề gì ngay cả khi bạn thoa nhẹ dầu gội vào các thóp của bé. Có thể dùng dầu gội đơn lẻ hoặc loại dầu gội kiêm sữa tắm. Tránh để dầu gội rơi vào mắt bé, vuốt tóc bé ngược lên trán hoặc sang hai bên tai khi gội để nước và dầu gội không chảy xuống mắt của bé.
8. Hăm
Tã bẩn và ướt sẽ kích thích làn da bé sơ sinh, gây hăm. Để ngừa hăm, nên kiểm tra tã của bé thường xuyên. Khi thay tã bẩn, nên vệ sinh vùng mông cho bé và dùng khăn mềm vỗ nhẹ cho khô rồi mới quấn tã khác. Với bé gái, nên lau từ trước ra sau để tránh nhiễm khuẩn. Nếu bé bị hăm thì kem chống hăm có thể hữu ích. Thỉnh thoảng, cho da bé được “thở” bằng cách cởi bỏ tã, để mông tiếp xúc với không khí.
9. Khi cần đưa đi khám
Bé nổi ban, những nốt ban phồng rộp, ngứa ngáy, đỏ, mưng mủ, rỉ nước hoặc khi bé kèm theo sốt. Chàm là một trong những dạng ban phổ biến nhất ở bé sơ sinh. Nhưng bé cũng có thể mắc bệnh có liên quan tới những nốt ban trên da như thủy đậu, sởi, chân tay miệng, herpes, chốc lở…
10. Bảo vệ da bé từ áo quần
Dùng chất dịu nhẹ để giặt giũ những thứ tiếp xúc với làn da của bé như quần áo, chăn, gối, khăn mặt cho tới quần áo của mẹ. Bằng cách này, bạn sẽ hạn chế được những chất dễ gây ngứa ngáy và kích ứng cho da của bé.
Ngọc Huê