Trao đổi với cô giáo ở trường mầm non rồi lên mạng, chị ngỡ ngàng khi những dấu hiệu có ở con “hao hao” với trẻ tự kỷ. Anh chị suy sụp và cấp tốc cho con đi khám.
Mục lục
Mẹ vô tâm khiến con tự kỷ
Ngay khi còn nhỏ, Duy Anh đã tỏ ra là một cậu bé thông minh nhưng vô cùng lầm lỳ, khép kín, lúc nào bé cũng thích chơi tha thẩn một mình. Thế giới của cậu luôn chỉ là tivi và cái tầu hỏa mà bố mua cho.
Vì bận rộn nên sau khi sinh con, chị Hoa (Đống Đa, Hà Nội) – mẹ của bé trở lại với công việc, tất thảy việc trông nom Duy Anh, chị Hoa dựa hoàn toàn vào cô giúp việc.
Khi Duy Anh được khoảng 16 tháng, cô giúp việc đôi lần tâm sự với chị nên đưa bé đi khám bởi dường như bé “lờ tịt” với bất kỳ lời nói nào của người khác. Ngoài ra, bé không bao giờ ngồi bô hay để người lớn xi mà phải đóng bỉm, lên giường nằm rồi bé mới ị hay tè được.
Chị Hoa lại cười xòa và khẳng định không thể nào lại có chuyện đó, xem tivi là một tín hiệu tốt cho thấy bé ham thích tìm hiểu mọi thứ xung quanh mình.
Mãi đến khi 2,5 tuổi nhưng bé chẳng nói chẳng rằng suốt ngày ngẩn ngơ không chơi một mình thì cũng cắm mặt vào màn hình tivi, những lúc chị tìm cách ôm ấp thì bé nằng nặc từ chối, tránh né, chị mới đưa con đi khám thì đã quá muộn, tại đây, bác sĩ chẩn đoán Duy Anh bị hội chứng tự kỷ.
Nghe xong, chị òa khóc vì sự vô tâm của mình, chị tự trách bản thân nếu sớm phát hiện ra thì con đâu có khổ như thế này.
Bị điếc bẩm sinh, mẹ tưởng con ngoan, ít nói
Ai nhìn vào nhà chị Thanh Ngọc (Định Công, Hà Nội) cũng khen chị “đẻ khéo” vì bé Khoai xinh xắn lại rất ngoan ngoãn, đáng yêu thế nhưng sau 1 thời gian, chị mới biết cái sự ngoan ngoãn ấy có “vấn đề”.
“Ngay từ khi mới sinh, cháu đã ngoan ngoãn, ít quấy khóc, không giật mình. Mình cứ ngỡ đó là bình thường, giống gen bố ‘lầm lì ít nói’, vậy mà khi được 18 tháng, tình trạng này vẫn không khá hơn là bao. Dù mình đứng gần gọi và thu hút sự chú ý của bé thế nào, bé vẫn không có biểu hiện gì. Lúc này linh cảm mách bảo sự chẳng lành, đưa con tới khám thì cũng muộn…”, chị vừa khóc vừa tâm sự.
Con chậm nói tưởng nhầm thành tự kỷ
Bé Minh Thư – con gái chị Thúy (Tây Hồ, Hà Nội) xinh đẹp như thiên thần. Vì mãi mới được một mụn con nên ai trong nhà cũng chiều chuộng, yêu quý bé.
Nhưng đến 3 tuổi mà con chưa nói được lời nào, thêm vào đó, chiều hôm vừa rồi cô giáo mời chị đến trường vì Thư cào bạn Mạnh rách cả mặt, tóm lại Thư không chơi với ai ở lớp, bé suốt ngày đập phá, quăng đồ chơi, chị đâm lo. Lên mạng, chị ngỡ ngàng khi những dấu hiệu có ở con “hao hao” với trẻ tự kỷ. Anh chị suy sụp và cấp tốc cho con đi khám.
Nhưng may mắn làm sao bé không bị hội chứng này mà chỉ bị rối loạn cảm xúc và chậm nói mà thôi.
Cha mẹ cần chú ý tới hành vi của con
Trả lời về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Thị Anh Thư (Khoa Nhi, Bệnh viện Việt Pháp) cho rằng cha mẹ nên chú ý đến hành vi của con, nếu thấy con mình có bất kỳ những dấu hiệu bất thường nào về ngôn ngữ, về phản xạ, hãy nhanh nhất đưa con tới bệnh viện để được các bác sĩ có chuyên môn can thiệp kịp thời.
Dấu hiệu của trẻ tự kỷ:
Trên 10 tháng tuổi, bé ngoan, khó ngủ, bé thu mình, không quan tâm đến người khác, một mình mình một thế giới, không thích chơi với bạn cùng lứa tuổi, tránh tiếp xúc tối đa, khó khăn khi tham gia các trò chơi, thích thú khi chơi đồ chơi một cách khác thường, hung hăng, dễ tự làm tổn thương bản thân, không phản ứng với tiếng gọi, ánh mắt đờ đẫn, không biết đáp lại khi có người gọi tên, mất kỹ năng ngôn ngữ hoặc xã hội….
Nguyên nhân gây nên hội chứng này có thể do các yếu tố sinh học hoặc môi trường, hoặc cả hai, bao gồm cả các yếu tố nhiễm khuẩn lúc mang thai, các khiếm khuyết của hệ thống miễn dịch, gen.
Dấu hiệu trẻ bị điếc bẩm sinh:
Trẻ từ 4 tháng tuổi trở lên không có bất kỳ phản ứng nào với âm thanh lạ (dù rất to); không trao đổi ê a, không quay đầu lại với người thân (do bé không nghe được hoặc nghe thấy âm thanh vô cùng nhỏ); phát triển mạnh ngôn ngữ nét mặt, điệu bộ, cử chỉ (vì không thể biểu lộ mình bằng lời nói); bé không thích đập, ném đồ chơi (thường những bé có thính lực tốt, bé sẽ rất thích nghe những âm thanh của những vật phát ra)…
Nguyên nhân khiến bé bị điếc bẩm sinh có thể do di truyền từ người thân trong gia đình; do trong quá trình mang thai và sinh nở người mẹ gặp bất thường (sinh non, đẻ khó, bé bị ngạt trong quá trình ra đời); hoặc do bé bị bệnh viêm tai, viêm màng não, sởi, quai bị…
Bên cạnh đó, có rất nhiều em bé bị mắc bệnh về tâm lý như rối loạn tâm lý, rối loạn hành vi, chậm nói; hay điếc bẩm sinh… bị nhầm là tự kỷ hoặc ngược lại.
Bác sĩ Anh Thư nhấn mạnh, đúng là những biểu hiện của bệnh tự kỷ và điếc bẩm sinh có sự giống nhau như chậm nói; sống thu mình song những bé tự kỷ không bị điếc, bé vẫn nghe thấy những âm thanh, tiếng ồn phát ra xung quanh mình nhưng bé “lờ đi”, chắc chắn nếu có tiếng động bất ngờ, bé tự kỷ vẫn bị giật mình.
Còn với em bé không may bị điếc bẩm sinh thì khả năng nghe và phản ứng lại với âm thanh là hoàn toàn không có.
Trẻ chậm nói thường sống khép kín vì không biết chia sẻ thế nào với người khác, hoặc cũng có thể tìm cách “gây hấn” bằng những hành động “cào cấu”, điều này càng dễ bị hiểu lầm là trẻ tự kỷ.
Tóm lại, cha mẹ cần chú ý tới sự phát triển của con theo từng mốc giai đoạn cụ thể, khi phát hiện ra có những dấu hiệu lạ về hành vi, ngôn ngữ của con, cha mẹ cần bình tĩnh đưa con tới bệnh viện để thăm khám.