Thật khủng khiếp khi có cậu bé tám tuổi do vòi vĩnh đồ chơi không được mẹ đáp ứng đã hùng hồn: “Mẹ không cho con, mai mốt mẹ già con bỏ mẹ luôn!”
Xe ai nấy dắt!
Đâu phải vì tuổi nhỏ mà thiếu ý thức. Một lần hội những bà mẹ có con tuổi teen ngồi lại với nhau, một bà tâm sự: con trai bà đã 16 tuổi, cao to khoẻ mạnh, đẹp trai, biết bao cô bạn “dòm ngó”, ấy vậy mà cư xử rất lơ ngơ, nhiều khi làm bà buồn mất mấy ngày vì vô tình với mẹ.
Đi làm về mệt đứt hơi, chỉ nhờ con dắt giùm chiếc xe lên thềm, vậy mà cu cậu lủi đâu mất! Một lần đẩy xe trượt chân, mẹ và xe bay luôn xuống dốc, bực quá rầy con sao vô tâm với mẹ, cậu phang ngang một câu: “Xe mẹ mẹ dắt, đừng làm phiền con!”
Cô bạn khác kể rằng: “Đâu phải chỉ con trai, con gái mình 12 tuổi mà dạy hoài, nhắc tới nhắc lui nên quan tâm đến gia đình, hỏi thăm bố mẹ khi đi làm về, dành thời gian trò chuyện với bố mẹ… nhưng tất cả chỉ là mong ước xa vời, vì con gái đến tuổi này vẫn còn cơm dâng nước rót, chỉ thích ở một mình trong phòng riêng, chat chít với bạn bè hơn là gặp bố mẹ…”
Vì đâu nên nỗi?
Thương con, cha mẹ hay nuông chiều và luôn đáp ứng những yêu cầu của chúng cho con nở mặt nở mày, bằng bè bằng bạn; hơn nữa muốn con toàn tâm toàn ý cho việc học nên nhiều cha mẹ luôn chăm bẵm con, lâu ngày trẻ sinh lười biếng, vô tâm với cha mẹ, hình thành lối suy nghĩ cha mẹ phải phục vụ mình, phải đáp ứng nhu cầu của mình chứ không hề quan tâm đến đấng sinh thành.
Việc coi trẻ như một “ông vua con”, “bà hoàng con” làm cho trẻ lớn lên to xác nhưng lối sống, cách nghĩ vẫn chưa trưởng thành. V. tám tuổi, sáng nào thức dậy đi học cũng trễ, ba phải ẵm từ trên lầu xuống, người giúp việc lăng xăng đút cho cậu bé ăn, người bà 70 tuổi thì lo soạn sẵn áo quần cho cậu bé, cúi xuống mang giày xách cặp dẫn cháu ra xe cho mẹ đưa đến trường…
Mỗi sáng có đến bốn người thay nhau hầu hạ cậu bé, làm hết mọi việc cho cậu! Cha mẹ thương con không đúng cách như thế đã tạo cho con thói quen xấu, chính vì trẻ chưa có thói quen tự phục vụ cho bản thân, chưa có cơ hội được làm những công việc cho chính mình thì làm sao ý thức được trách nhiệm quan tâm đến người khác? Cần dạy con sống có trách nhiệm với bản thân trước để trẻ biết sống có trách nhiệm với người khác.
Một số nét tính cách của trẻ là kết quả của quá trình giáo dục trong gia đình. Chính thái độ chiều chuộng, bảo bọc quá mức và làm thay trẻ những việc lẽ ra trẻ phải làm đã tạo cho trẻ thói quen ỷ lại, thiếu tự giác, từ đó sinh ra các tật xấu khác như sống ích kỷ, vô tâm và thờ ơ với người xung quanh.
Dạy con tự lập từ tuổi lên ba
Những dấu hiệu tự lập của trẻ có từ rất sớm: ba tuổi trẻ đã thể hiện tính độc lập, biểu hiện rất rõ khi giật tay mình ra khỏi bàn tay người lớn để chạy băng băng đến nơi nào trẻ thích, thích quan sát và bắt chước người lớn làm một số công việc lặt vặt…
Vậy bắt đầu từ độ tuổi này, cha mẹ hãy cho trẻ cơ hội độc lập hoàn thành một số việc nhỏ theo khả năng của mình. Biết thể hiện sự quan tâm đến người khác cũng là cách để giáo dục và nâng cao chỉ số cảm xúc (EQ) ở trẻ.
Giáo dục một phẩm cách là cả một chặng đường dài, nếu giáo dục sớm và có phương pháp thích hợp, cha mẹ sẽ uốn nắn từng bước giúp trẻ hình thành thói quen tốt. Có mỗi ngày gieo trồng những thói quen tốt ở trẻ thì đến khi trẻ vào tuổi trưởng thành, chúng mới có được nhiều tính cách tốt. Đừng đợi khi con vào tuổi teen mới tác động giáo dục, bởi khi ấy đã quá muộn và cha mẹ đừng ngạc nhiên khi thấy con “bơ bơ”, không tiếp thu và nghe theo những gì mình dạy bảo.