Khi thấy em bé nhà hàng xóm có vẻ nhanh hơn con mình vì bé đã có thể bi bô nói được vài từ hoặc làm được nhiều trò hơn, bạn đã phát hoảng lên dù rằng bên ngoài vẫn tỏ vẻ điềm tĩnh.
Em bé của bạn phát triển bình thường và đã trải qua các giai đoạn lẫy, trườn, bò… đúng với độ tuổi.
Tuy nhiên, khi thấy em bé nhà hàng xóm có vẻ nhanh hơn con mình vì bé đã có thể bi bô nói được vài từ hoặc làm được nhiều trò hơn, bạn đã phát hoảng lên dù rằng bên ngoài vẫn tỏ vẻ điềm tĩnh. Đó là những lo lắng không có cơ sở. Mỗi đứa trẻ phát triển không hề giống nhau và bạn chẳng nên quá buồn bã vì điều đó.
Em bé vẫn phát triển tốt
So sánh con mình với những đứa trẻ khác là những điều rất… bản năng của mỗi bà mẹ. Nhưng bạn cần phải thấy được, con mình là một em bé bình thường chứ không phải siêu nhân. Nếu bạn lần đầu làm mẹ, hãy nhờ những chuyên gia hoặc các bác sĩ trong lĩnh vực này giúp bạn xác định những giai đoạn phát triển của trẻ ở từng độ tuổi, rồi dựa vào đó để “đánh giá” em bé của mình. Mốc phát triển của từng trẻ có thể nhanh hơn hoặc chậm hơn so với mốc phát triển tiêu chuẩn. Vì thế, sự phát triển của mỗi trẻ không phải lúc nào cũng giống nhau và bạn không cần quá lo lắng khi cứ đem con mình ra so sánh với các bé khác. Điều cần làm và quan tâm lúc này là tìm được những điểm khiến bạn hài lòng ở bé.
Những thay đổi từ con
Trong năm đầu đời, trẻ có những thay đổi qua từng ngày, từng tuần. Hôm nay, ánh mắt của bé đã có thể “theo dõi” bước chân của bạn chuyển động chậm rãi trong phòng mà tuần trước bé chưa thể làm được điều đó hoặc bàn tay nhỏ xinh của bé đã có thể nắm được một món đồ chơi mà chỉ mới nửa tháng trước đây, nó mới chỉ cử động được nhẹ nhàng. Bạn có thể quan sát những thay đổi tích cực ấy và ghi chép trong một cuốn sổ nhỏ để tiện theo dõi. Từ đó, bạn sẽ thấy con mình lớn hơn như thế nào khi từng tuần trôi qua. Hãy so sánh con bạn với chính bản thân bé chứ đừng so sánh với những đứa trẻ cùng độ tuổi khác.
Hài lòng trước mỗi “thành công” của con
Khi bé làm được một “kỳ tích”, ví dụ như đi được những bước đầu tiên hoặc bi bô một vài từ, cha mẹ nên động viên con bằng cách nở nụ cười và ôm bé vào lòng. Bạn cũng có thể đem thành công của con để khoe với những người bạn, với ông bà, cô bác của bé. Đây là cách bạn thể hiện sự quan tâm với con mình chứ không phải bất kỳ ai khác. Và dù những em bé cùng độ tuổi với bé nhà bạn có phát triển nhanh hơn con bạn đi chăng nữa thì bạn cũng không cần đem ra so sánh với cục cưng của mình.
Chấp nhận những khác biệt
Cho dù con bạn phát triển… vượt bậc đến thế nào thì vẫn có thể có những đứa trẻ khác còn giỏi hơn. Không đứa trẻ nào phát triển giống hệt nhau, kể cả là anh em sinh đôi. Bởi vậy, bạn nên coi sự khác biệt giữa các bé cùng độ tuổi là điều bình thường và đừng quá lo lắng vì con mình không nhanh như đứa bạn hàng xóm.
Thành thật với cảm giác của mình
Dù cho bạn đã cố gắng hết sức, dù bạn khá hài lòng với sự phát triển của con, dù bạn yêu lắm thiên thần nhỏ của mình nhưng cũng có lúc, bạn lại vướng phải sự so sánh, “ghanh đua” giữa mốc phát triển của em bé trong nhà với các em bé khác. Hãy chia sẻ cảm xúc này với ông xã của bạn và những người thân thuộc với bạn nhất. Thành thật với họ về cảm giác của bạn. Sau đó, bạn sẽ thấy dễ chịu và thoải mái hơn rất nhiều.