Vượt qua 2 quý đầu tiên và giữa thai kỳ đầy thử thách chưa hẳn bà bầu đã có thể thở phào nhẹ nhõm, bởi vẫn còn phải đối diện với nhiều mối lo vào những tháng cuối thai nghén. Ngoài nỗi lo về cơn chuyển dạ sẽ diễn ra như thế nào, sinh thường hay sinh mổ v.v… còn là nỗi ám ảnh sinh non trước khi thai nhi tròn 38 tuần.
Bởi sinh non không chỉ tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho mẹ mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bé về sau, bé dễ suy hô hấp, chậm phát triển thần kinh, mắc bệnh phổi mãn tính…, nhất là khi sinh non được xem là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng tử vong ở trẻ sơ sinh. Do đó, hiểu biết rõ về vấn đề sinh non trong quý 3 thai kỳ sẽ giúp chị em phòng tránh tốt hơn các rủi ro có thể xảy ra.
Mục lục
Sinh non: Những nguyên nhân phổ biến
Thống kê được thực hiện tại Mỹ cho thấy, có hơn 476.000 trẻ được sinh sớm hơn dự định. Con số này ở Anh là 50.000 trẻ mỗi năm và ở Pháp, tỷ lệ trẻ sinh non chiếm khoảng 7% . Chính vì vậy, tìm hiểu lý do vì sao dẫn đến tình trạng này là cần thiết để biết và có cách hạn chế tốt hơn.
– Các bệnh lý từ mẹ. Dù có đến 50% ca sinh non không xác định được nguyên nhân, nhưng với 50% nguyên nhân còn lại có thể xác định được, mẹ bầu cũng có thể hiểu thêm về lý do đưa đến tình huống không mong đợi này. Trong đó, bao gồm cả các bệnh lý trên cơ thể như mẹ bị mắc bệnh u xơ tử cung, viêm gan siêu vi B, viêm thận, sốt, Rubella, bệnh tim, tiểu đường, thiếu máu nặng, cường giáp, mẹ thiếu cân, nhiễm trùng đường sinh sản, đa thai, nhiễm trùng ối, tiền sản giật v.v…
– Các dị tật ở tử cung. Dị tật tử cung là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến thai nhi có nguy cơ sinh sớm hơn 38 tuần tuổi, bao gồm: hở eo tử cung, tử cung bất thường, cổ tử cung hé mở thường gặp ở thai phụ có tiền sử sinh non hay hơn 1 lần sẩy thai sau khi thai nhi được 3 tháng tuổi, cổ tử cung ngắn v.v…
– Mẹ bị stress trầm trọng. Thường xuyên có tâm trạng bất an, lo lắng, tức giận kéo dài trong thời kỳ mang thai có thể khiến cơ thể người mẹ tiết quá nhiều hormone tuyến thượng thận, sinh ra những chất có hại cho hệ thần kinh dẫn đến sinh non. Thậm chí, một nghiên cứu mới đây khảo sát trên 1 triệu sản phụ ở Đan Mạch đã phát hiện ra rằng, những bà mẹ phải chịu căng thẳng 6 tháng trước thời gian mang thai sẽ có nguy cơ sinh con thiếu tháng với tỷ lệ lên đến 59% ca chuyển dạ sớm khi thai nhi chưa đến 33 tuần tuổi, nguyên nhân là do các hormone stress tác động lên dạ con của thai phụ.
– Thiếu vitamin B9. Một nghiên cứu tiến hành ở Pháp đã phát hiện ra rằng bổ sung vitamin B9 trước khi mang thai 1 năm sẽ giúp giảm 50% nguy cơ sinh non. Theo đó, khi theo dõi 35.000 phụ nữ không dùng và có dùng vitamin B9 trước thai kỳ khoảng 1 năm đã cho thấy, nhóm thai phụ sử dụng hợp lý vitamin này sẽ giảm được 70% nguy cơ sẩy thai trong giai đoạn từ tuần 20 đến tuần thứ 28 và giảm 50% nguy cơ sinh non ở tuần 28 – 32.
– Quá trình vôi hóa, tích tụ canxi của màng bào thai. ĐH Yale (Mỹ) đã có một đột phá quan trong trong việc giải thích những bí ẩn của sinh non, nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn tật vĩnh viễn ở trẻ sơ sinh. Trưởng nhóm nghiên cứu Lydia Shook cho biết: “Nước ối có tiềm năng hình thành các hạt nano và cặn canxi gây tồn động và gây vôi hóa màng bào thai, làm vỡ màng nước ối ở thai phụ dẫn đến tình trạng sinh non”.
– Ảnh hưởng của mùa trong năm. Các nhà khoa học tại ĐH Pittsburgh (Mỹ) đã công bố kết quả nghiên cứu khá bất ngờ về nguyên nhân sinh non do tác động của các mùa trong năm vào ngày 8/7 vừa qua. Thông qua việc phân tích dữ liệu của 75.399 sản phụ tại Mỹ trong 10 năm (1995 – 2005), nhóm nghiên cứu đã khẳng định tình trạng sinh non phổ biến nhất ở những phụ nữ thụ thai vào mùa xuân (9,2% sinh non trước khi thai được 37 tuần tuổi, 2,7% sinh trước khi thai được 32 tuần), và ít phổ biến nhất vào mùa hè (8,4% sinh non trước khi thai được 37 tuần tuổi, 2% sinh trước khi thai được 32 tuần). Nguyên nhân được cho là có liên quan đến những tác nhân gây dị ứng, viêm nhiễm do virus theo mùa, kết hợp những thay đổi trong chế độ dinh dưỡng, mức tiếp xúc với ánh mặt trời v.v…
– Các nguyên nhân khác. Ngoài những lý do đã nêu, sinh non còn do nhiều lý do khác như mẹ bị thiếu cân, suy dinh dưỡng, mang đa thai, ít nước ối, mang thai quá sớm (dưới 18 tuổi) hoặc mang thai từ 40 tuổi trở lên, nghiện ma túy, nghiện rượu, mang thai quá nhiều lần v.v… Ngoài ra, thời gian làm việc của người mẹ quá 42 giờ/ tuần, công việc phải đứng nhiều trên 6 giờ/ ngày, làm việc quá sức, quan hệ tình dục quá đà, do biến đổi khí hậu, dùng thuốc an thai bừa bãi v.v… cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng chuyển dạ sớm.
Rủi ro khi trẻ bị sinh non
Các rủi ro mà bé có thể gặp phải khi mẹ chuyển dạ sớm là bị ngạt trước sinh và trong giai đoạn sơ sinh; bị rối loạn thân nhiệt; suy hô hấp do cơ thể thiếu Surfactant – chất có chức năng giữ phế quản phổi không bị xẹp khi thở ra, chất này chỉ hình thành ở trẻ sơ sinh đủ tháng; nhiễm trùng do sức đề kháng yếu khiến bé dễ bị “sốc” dẫn đến tử vong; dễ bị vàng da, 100% trẻ sinh dưới 1,5 kg sẽ mắc phải căn bệnh này do gan chưa phát triển đủ để thực hiện chức năng chuyển hóa; rối loạn tiêu hóa: thường xuyên ói, nôn trớ, tiêu chảy, trướng bụng, hoại tử ruột; rối loạn huyết học; bệnh lý thần kinh như co giật chi, trợn mắt, quẹo cổ ảnh hưởng đến sự phát triển tinh thần và thể chất của trẻ; bệnh võng mạc dễ khiến trẻ bị mù; nhiễm trùng da dẫn đến nhiễm trùng máu; chậm tăng trưởng thể chất v.v…Các vấn đề này đều có nguy cơ gây nguy hiểm, thậm chí tử vong ở trẻ sơ sinh nếu không được thăm khám và chăm sóc cẩn thận.
Dấu hiệu, cách đối phó với biểu hiện sinh non
Để phát hiện mình có nằm trong nhóm bà mẹ có nguy cơ chuyển dạ sớm hay không, các mẹ bầu nên tham khảo những dấu hiệu nhận biết sau: Đang có thai chưa đến 37 tuần mà đã gặp phải các cơn co thắt tử cung tối thiểu được 1 tiếng đồng hồ. Các cơn co thắt diễn ra đều đặn, mỗi 5 – 10 phút/lần, kéo dài 30 giây. Khi thăm khám âm đạo, bác sĩ đã thấy cổ tử cung mở hơn 2,5 cm và xóa hơn 3/4… Đồng thời, âm đạo có thể xuất huyết, vỡ ối sớm, đau lưng, chuột rút v.v…
Nếu đã có các dấu hiệu trên, bà bầu cần được đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt, nhất là khi màng ối đã rách thì nguy cơ nhiễm trùng ngược dòng rất cao, cả mẹ lẫn bé còn non sẽ rất dễ bị tổn thương. Thông thường, bác sĩ sẽ xử lý bằng cách để bà bầu nằm nghiêng bên trái nhằm tăng lưu lượng máu đến tử cung, yêu cầu nghỉ ngơi tuyệt đối để tránh nguy cơ giãn tử cung; tiêm vào tĩnh mạch khoảng 500 – 1000 mg dung dịch muối cân bằng để cải thiện lượng máu, làm giảm hoạt động của tử cung; kiểm tra toàn diện sức khỏe, xem trực tràng âm đạo, cổ tử cung có co bóp tốt không .. trước khi tiến hành phẫu thuật (nếu cần).
Nếu màng ối đã vỡ, chuyển dạ là không thể tránh khỏi và bác sĩ có thể phải dùng đến thuốc giục sinh. Trong trường hợp còn duy trì được, thai phụ sẽ được chỉ định dùng thuốc trì hoãn chuyển dạ giúp phổi thai nhi có thì giờ tích tụ đủ steroid để trưởng thành. Nghỉ ngơi nhiều cũng tăng hiệu quả cải thiện lượng máu vào tử cung giúp thai nhi có đủ oxy cũng như nhận các dưỡng chất từ mẹ. Đồng thời, người mẹ cần ở lại bệnh viện để bác sĩ theo dõi tìm dấu hiệu nhiễm trùng trong trường hợp bị vỡ ối sớm cũng như tình trạng thai nhi. Điều này đảm bảo bé sinh nonđược chăm sóc cấp thời ngay khi lọt lòng.
Không khó hạn chế sinh non
Do sinh non ảnh hưởng bất lợi đến sức khỏe và tương lai của bé, nên bà bầu cần lưu ý các hoạt động thường ngày cũng như chế độ dinh dưỡng trong suốt thai kỳ để hạn chế phần nào tình trạng này.
Các phương pháp khá hiệu quả mà chị em có thể áp dụng gồm có: khám thai đúng theo lịch hẹn; bổ sung đầy đủ vitamin trước và trong quá trình mang thai, đặc biệt là vitamin B9 và axit folic; nghỉ ngơi và giảm tải khối lượng công việc; giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng, mệt mỏi; không dùng rượu, thuốc lá hay chất kích thích; kiểm soát cân nặng hợp lý; chọn đồ lót thoáng, thấm hút tốt và giữ vệ sinh vùng kín thật cẩn thận; tập thể dục vừa phải; sinh hoạt tình dục nhẹ nhàng, điều độ, nếu có cảnh báo sinh non nên tránh “yêu” trong các tháng cuối của thai kỳ để giảm nguy cơ co thắt tử cung v.v…