Để kịp thời phát hiện bệnh tay chân miệng, cần thường xuyên theo dõi sức khỏe học sinh mầm non

Tất cả học sinh khi đi học được theo dõi sát sức khỏe để phát hiện kịp thời các trường hợp mắc bệnh. Khi trẻ có dấu hiệu của bệnh tay chân miệng phải thông báo cho cha mẹ để em được cách ly, đi khám và được điều trị kịp thời.

Đó là một phần nội dung kế hoạch phòng chống bệnh dịch tay chân miệng (TCM) trong trường học năm học 2011-2012 nhằm hạn chế tối đa số trường hợp mắc và tử vong mà liên Bộ Y tế và Bộ Giáo dục – Đào tạo vừa ban hành.

Theo đó, từ tháng 9 năm 2011 đến tháng 9/2012, tất cả các cơ sở giáo dục và các cơ sở chăm sóc trẻ , các trường mầm non trên phạm vi cả nước phải thường xuyên thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng dịch tư. Không chỉ thường xuyên cho học sinh rửa tay bằng xà phòng, mà các cô nuôi dạy trẻ, người chăm sóc trẻ tại các cơ sở giáo dục phải thực hiện rửa tay nhiều lần bằng xà phòng, đặc biệt trước khi chuẩn bị thức ăn, cho trẻ ăn và sau khi thay tã lót và rửa cho trẻ sau khi đi vệ sinh.

Học sinh trong lớp cũng tuyệt đối không dùng chung gối, chung khăn mặt cho trẻ. Sau mỗi ngày phải giặt và khử trùng khăn mặt của trẻ. Phải đảm bảo ăn chín, uống chín; không cho trẻ uống chung cốc và ăn chung thìa, đũa, bát.

Cần thường xuyên lau sạch các các bề mặt và các vật dụng, đồ chơi bị nhiễm bẩn bằng xà phòng hoặc bằng dung dịch sát khuẩn thông thường (Chloramin B) ít nhất 2 lần trong ngày, đảm bảo lớp học được thông gió hằng ngày.

Đảm bảo môi trường xung quanh cơ sở giáo dục và cơ sở chăm sóc trẻ sạch sẽ, thoáng mát. Đồng thời bố trí khu vực rửa tay bằng xà phòng, đảm bảo thường xuyên có xà phòng và nước sạch để rửa tay.

Việc theo dõi sát sức khỏe của trẻ cũng được nhấn mạnh để kịp thời các trường hợp mắc bệnh. Nếu trẻ, học sinh có các biểu hiện bệnh như bị sốt, xuất hiện nốt phỏng ở bàn tay, bàn chân hoặc miệng, phải thông báo cho cha mẹ biết để trẻ, học sinh được cách ly, đưa đến cơ sở y tế khám và được điều trị kịp thời. Trẻ có dấu hiện trên cũng cần cho nghỉ học để tránh lây bệnh cho các trẻ, học sinh khác trong trường học.

Ngoài ra, các cơ sở giáo dục và các cơ sở chăm sóc trẻ phối hợp với ngành y tế tổ chức chiến dịch truyền thông về bệnh tay chân miệng và các biện pháp phòng chống cho cán bộ quản lý giáo dục, cán bộ y tế trường học, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và người chăm sóc trẻ. Hướng dẫn học sinh, cha mẹ học sinh truyền thông về phòng, chống bệnh tay chân miệng tới các thành viên khác trong gia đình và cộng đồng.

Các cơ sở giáo dục và các cơ sở chăm sóc trẻ kết hợp các buổi họp phụ huynh phổ biến cách phòng, chống bệnh tay chân miệng; phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, có biện pháp cách ly để tránh lây lan trong gia đình và cộng đồng; đưa trẻ đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời; đảm bảo vệ sinh môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm tại gia đình.

Tú An

Đánh giá