Bên cạnh việc dạy bé làm quen với các chữ cái, ở tuổi mẫu giáo, cha mẹ nên giúp bé làm quen với các con số. Đếm số giúp bé phát triển trí nhớ, nhận biết thế giới xung quanh, đồng thời nhanh trí hơn khi bé được tham gia vào những bài học đầu tiên ở lớp mẫu giáo. Để giúp bé yêu của bạn làm quen với các con số một cách nhẹ nhàng và thú vị, bạn hãy tham khảo một số gợi ý dưới đây.
Mục lục
Dạy bé đếm 10 số đầu tiên
Bạn có thể chia nhỏ các nhóm số để bé dễ ghi nhớ và học thuộc. Mới đầu, bạn chỉ nên dạy bé biết cách đếm thành thạo từ 1 đến 10. Một trong những cách đơn giản, được nhiều phụ huynh sử dụng là hướng dẫn bé đếm ngón tay. Cách này thường giúp bé nhớ rất lâu, mà ít nhầm lẫn.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể khuyến khích bé có thói quen đếm bất kỳ đồ vật nào trong nhà, từ một vài đồng xu đến số đồ chơi, quần áo… Đơn giản hơn, khi yêu cầu bé làm một việc gì đó, bạn cố gắng lồng ghép thêm các con số. Chẳng hạn, “Lấy cho mẹ hai cái cốc nào!”, hay “Con hát lại bài này hai lần nữa nhé!”. Bạn nên khuyến khích bé đếm số bất kỳ lúc nào có thể. Lúc ngồi vào bàn ăn, bạn có thể hỏi bé: “Đố con có bao nhiêu chiếc bát, đĩa, thìa trên bàn ăn?…”
Đợi đến khi nào bé đã đếm thành thạo từ 1 đến 10, bạn mới nên giúp bé chuyển sang việc đếm thêm nhóm số từ 11 đến 20. Thông thường, bé 3 tuổi biết cách đếm chính xác từ 1 đến 20. Nhiều bé thấy khó khăn, bối rối hoặc đếm sai, nếu bạn dạy bé thêm nữa.
Dạy bé đếm 10 chữ số tiếp theo
Nếu bé đã đếm thành thạo từ 1 đến 20, bạn có thể tiếp tục hướng dẫn để bé biết cách đếm tiếp từ 20 đến 100.
Với bé 4, 5 tuổi, bạn có thể trao đổi để bé hiểu được quy luật ghép số, nếu bé muốn đếm số chính xác. Nguyên tắc của đếm số bao giờ cũng từ thấp tới cao, nghĩa là, bạn có thể gợi ý để bé bắt đầu từ 21, 31, 41, 51… Nếu bé muốn đếm từ 21 đến 30, bé sẽ thay lần lượt các số từ 1 đến 9 vào sau số 2, ví dụ: 21, 22…28, 29. Lặp lại tương tự với nhóm 10 chữ số khác, cho đến khi bé có thể đếm được từ 1 đến 100.
Những trò chơi giúp bé học đếm số
Hát những bài chứa chữ số: Những bài hát có nhạc điệu vui vẻ thường khiến bé hào hứng và vui thích. Bạn nên chọn những ca khúc có chứa những số đếm, rồi bật lên cho bé nghe. Mỗi lần, đến đoạn hát số, bạn lại cùng bé ngân nga cao giọng hơn. Chẳng hạn “Một con vịt…”, đồng thời bạn cũng giơ cao một món đồ chơi minh họa, hoặc hình ảnh số đếm trong ca khúc.
Trò chơi đong nước: Chuẩn bị những chiếc cốc nhiều màu sắc, kích cỡ và một chậu nước. Bạn đổ đầy nước vào một chiếc cốc nhỏ, sau đó, gợi ý để bé dùng cốc nước này đổ vào một cốc to hơn. Bạn có thể giả vờ thắc mắc “Ồ, đố con sao nước ở cốc to không thể đầy được?”…
Bài học dành cho bé: Bé không hiểu được khái niệm về thể tích, nhưng lại có thể nhận diện được đâu là chiếc cốc to, đâu là chiếc cốc nhỏ. Điều này sẽ có ích với bé khi bạn yêu cầu bé lấy 2 chiếc cốc to, hay 3 chiếc cốc nhỏ.
Nếu không, bạn cũng có thể dạy bé hiểu sơ qua về khối lượng, bằng cách đổ đầy nước vào một chiếc cốc lớn và gợi ý để bé chia đều số nước đó vào 2 hay 3 cốc nước nhỏ hơn.
Những khái niệm hình học: Dùng kéo cắt bìa cứng thành những hình đơn giản như hình tròn, vuông, tam giác, chữ nhật… Tiếp đến, bảo bé đi tìm những đồ vật trong nhà có hình dáng tương tự như quyển sách, chiếc bát… Qua đó, bé có thể học được những khái niệm hình học có liên quan đến số đếm như hình tam giác có 3 cạnh.
Hai mẹ con cùng vào bếp: Trước khi chuẩn bị một món ăn nào đó, bạn nên đọc to công thức. Sau đó, bạn nhờ bé múc đường, muối, nước… bằng cốc và thìa. Trong lúc hai mẹ con nấu ăn, bạn có thể đố bé xem bao nhiêu thìa muối thì đầy một bát con, bao nhiêu cốc nước sẽ đầy một nồi…
Như vậy, bé yêu của bạn sẽ học được đơn vị đo lường và hình thành khái niệm cộng trừ đơn giản.